Chúa nhật V Mùa Chay, năm C
Này Ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ cho dân Ta được giải thoát.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
16Đây là lời Đức Chúa,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
17Đấng đã cho xuất trận
nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng :
- tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,
đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.
18Người phán như sau :
“Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
19Này Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
20Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta ;
vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.
21Ta đã gầy dựng cho Ta dân này,
chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.” Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Pl 3,8-14
Vì Đức Ki-tô tôi đành mất hết, để được nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
8 Thưa anh em, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô 9 và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. 10 Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, 11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. 12 Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu ; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. 13 Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. 14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 8,1-11
Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” Đó là lời Chúa.
___________________
THA THỨ LÀ HOA TRÁI CỦA YÊU THƯƠNG – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Trong cuộc sống, người ta hay nói với nhau chữ Yêu Thương. Thực ra, Yêu và Thương là hai từ có nghĩa khác nhau, khi được ghép chung vào nhau sẽ làm trọn ý nghĩa. Yêu là cảm xúc tự nhiên của con người, là thích, là nhớ nhung, quan tâm, lo lắng. Thương là lời nói, việc làm vượt trên cảm xúc. Khi yêu kèm theo sự thấu hiểu, bao dung, đó chính là tình thương. Chữ Yêu mang cảm giác nồng cháy, biểu hiện ra ngoài rõ rệt. Còn chữ Thương lại có gì đó âm thầm, lặng lẽ, ẩn sâu bên trong tâm hồn. Chữ Thương không chỉ nói về cảm xúc mà còn nói về sự khăng khít, gẫn gũi trong mối quan hệ. Yêu là cảm xúc, Thương là lựa chọn; Tình yêu có thể nhạt phai, nhưng Tình thương thì bền vững. Yêu thì dễ dàng mơ mộng, còn Thương cần trải qua thử thách, thực tế; Yêu là muốn chiếm hữu, Thương là sự đồng hành, đồng cảm; Yêu thì dám hy sinh và Thương là dám tha thứ.
Thưa quý OBACE, Kinh Thánh thường trình bày Thiên Chúa bằng hình ảnh của một Người Cha yêu thương con người. Có những lúc Kinh Thánh diễn tả tình yêu Thiên Chúa cũng đầy tràn cảm xúc như tình yêu của đôi lứa và cũng rất nhiều lần Kinh Thánh trình bày tình thương của Thiên Chúa sâu lắng, âm thầm, hy sinh tận tụy như tình thương của người cha, người mẹ đối với con cái mình. Tình yêu nơi Thiên Chúa được thể hiện qua việc tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc con người. Còn tình thương nơi Thiên Chúa lại thể hiện qua sự kiên nhẫn, chịu đựng và bao dung tha thứ cho con người khi nó phản bội. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy sự tha thứ như bông hoa của tình yêu thương mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Thiên Chúa của chúng ta mãi mãi là một Thiên Chúa yêu thương và tha thứ.
Sự thù hận, oán hờn sẽ dẫn đến bế tắc, chán nản, đem đến mệt mỏi thất vọng; Yêu thương và tha thứ sẽ mở ra một con đường, một lối đi dẫn đến tương lai, đem lại niềm vui và hy vọng. Đó là điều mà tiên tri Isaia muốn diễn tả trong Bài đọc một. Vào thời điểm này, dân Do Thái đang bị lưu đày tại Babylon. Đau khổ, chán nản đã khiến dân chúng rơi vào thất vọng, vì nghĩ rằng Thiên Chúa vẫn còn để trong lòng sự tức giận, nên Ngài đã trừng phạt Israel. Tiên tri Isaia đã giúp Israel thay đổi lại suy nghĩ khi nói với họ rằng: Thiên Chúa không còn nhớ đến tội lỗi quá khứ của Israel nữa, Ngài đã quên hẳn rồi. Thiên Chúa cũng không bao giờ ngăn đường, bịt lối tương lai của họ, nhưng Thiên Chúa sẽ mở đường, sẽ khai thông mọi bế tắc và mở ra một tương lai hy vọng. Vì Thiên Chúa đã từng mở một con đường giữa đại dương, tướng dũng, binh hùng của quân thù địch đã bị Thiên Chúa dìm sâu dưới lòng biển. Vấn đề quan trọng là đừng để cho quá khứ tội lỗi dằn vặt mình, dẫn đến chán nản thất vọng. Nếu như ngày xưa Thiên Chúa đã mở một con đường giữa lòng biển, thì nay Thiên Chúa cũng sẽ mở một con đường giữa sa mạc, sẽ khơi lại những dòng sông, sẽ đem Israel trở về và sẽ gây dựng lại dân tộc này thành một dân tộc vĩ đại, để từ nay chúng sẽ ngợi khen Thiên Chúa. Những lời này của Thiên Chúa quả là những lời đầy tràn yêu thương và sự tha thứ của một Thiên Chúa là Cha bao dung, nhân hậu. Ngài luôn mở ra cho con người một con đường đưa đến tương lai tươi sáng, hy vọng và hạnh phúc.
Chúa Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa yêu thương tha thứ, Người đến trần gian không phải để kết án hoặc trói buộc con người, nhưng là để yêu thương và tha thứ cho nhân loại. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình được tha thứ, cảm thông hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp và rất xúc động trong Tin mừng Gioan.
Thánh Gioan cho thấy sự tương phản giữa thái độ của con người và thái độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu: Tảng sáng, tại đền thờ, các luật sĩ và biệt phái đã lôi đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ bị cáo buộc quả tang phạm tội ngoại tình. Những người này tự cho mình quyền thực thi pháp luật, họ hành xử cách thô bạo, bất công đối với một phụ nữ để chứng minh rằng, họ là những người trong sạch, có quyền kết án người khác. Các luật sĩ và biệt phái không kết tội người đàn ông thông đồng, mà lại chỉ bắt và kết tội người phụ nữ. Không những thế, các luật sĩ và biệt phái còn lợi dụng trường hợp này để thăm dò thái độ của Chúa Giêsu và đặt Người vào một cái bẫy, để có cớ bắt bẻ Người. Họ nói: Thưa Thầy, theo luật Môsê thì hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy làm sao? Nếu Chúa Giêsu đồng ý với quan điểm của họ, đồng ý để họ ném đá người phụ nữ, thì chứng tỏ giáo huấn của Chúa không có gì đặc biệt. Nếu Người truyên bố là tha bổng, thì sẽ bị cáo buộc là kẻ chống đối, vi phạm lề luật Môsê.
Trước cái bẫy của người Do Thái, Chúa Giêsu không trả lời là có, cũng không trả lời không, Người giữ sự im lặng, cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Khi bị thúc đẩy, bị hỏi mãi, Chúa đã trả lời: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời và sự thinh lặng của Chúa Giêsu đã chạm đến tâm hồn của những luật sĩ và biệt phái, là những kẻ đang lớn tiếng kết tội người khác, khiến họ giật mình và nhìn lại đời sống của mình: Họ lần lượt bỏ đi, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Vì trước mặt Thiên Chúa, nếu mỗi người dám thành thật nhìn lại cuộc sống của mình, ta sẽ nhận ra rằng, mình mới là kẻ đáng phải chết; biết bao nhiêu lần mình đã lỗi phạm, chỉ có điều là mình đã khéo che giấu trước mặt con người, nhưng không có gì có thể che giấu trước mặt Thiên Chúa. Cũng bởi lý do này mà những luật sĩ và biệt phái đã lần lượt bỏ hòn đá xuống và quay đi.
Chỉ có Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng vô tội mới có quyền kết án, nhưng Người lại không hề kết án. Người nói với người phụ nữ: Tôi không kết án chị đâu, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Lời tuyên bố này của Chúa Giêsu đã trút được gánh nặng và mặc cảm tội lỗi nơi người phụ nữ. Chúa Giêsu cho thấy: Ngoại tình là điều sai trái, là trọng tội trước mặt Thiên Chúa và con người, cần phải xa tránh, nhưng Người lại hết sức cảm thông với hoàn cảnh và sự yếu đuối của kẻ phạm tội: Tôi không kết án chị đâu. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng không chấp nhận, không dung túng cho điều xấu, điều tội, Người nói với chị: Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Những luật sĩ và biệt phái đã muốn chặn đường sống, đóng kín tương lai của người phụ nữ, nhưng Chúa Giêsu đã mở ra cho người phụ nữ này một con đường, một cơ hội để đổi đời. Chúa muốn chị từ bỏ quá khứ, dứt khoát với những điều xấu để bắt đầu lại một nếp sống mới tốt hơn.
Thưa quý OBACE, rất nhiều lần ta lớn tiếng kết tội người khác là để che đậy cái xấu của mình. Nhiều lần chúng ta cũng cầm những hòn đá trên tay để lăm le ném vào người khác, gây tổn thương, có khi giết chết tâm hồn họ. Hòn đá ấy có thể là những lời lẽ kết tội, hoặc những lời vu oan giáng hoạ, những lời cay chua độc địa, nói xấu, dèm pha, khiến cho gia đình người khác xào xáo đổ vỡ. Có cả những hòn đá vô tình, vô tâm khiến cho các mối tương quan anh chị em, vợ chồng bị sứt mẻ, tâm hồn bị tổn thương. Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: Ai vô tội hãy ném đá trước đi, cũng là để chúng ta nhìn lại bản thân, khiêm nhường nhận ra tình trạng tội lỗi của mình mà thành tâm sám hối.
Tôi không kết án ông bà / anh chị đâu, hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Đó là lời mà Chúa cũng đang nói với mỗi chúng ta. Nhìn lại đời sống, lời nói và việc làm của mình, rất nhiều lần chúng ta đã phạm trọng tội, vậy mà Thiên Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ và nói với ta bằng những lời hết sức ngọt ngào, yêu thương qua toà giải tội: Vậy Cha tha tội cho con nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Con đi bình an. Toà giải tội chính là nơi chúng ta gặp được sự bao dung, lòng thương xót của Thiên Chúa. Nơi toà giải tội, Thiên Chúa không kết án chúng ta, nhưng ban ơn trợ giúp và mở ra cho ta một con đường mới, đó là con đường hoàn thiện, con đường nên thánh. Siêng năng đến với Bí tích Giải tội, tâm hồn chúng ta sẽ trút được gánh nặng và tìm lại được sự bình an.
Chúng ta có thể bỏ qua, tha thứ cho người khác, nhưng lại rất khó để tha thứ, cảm thông với vợ, chồng hoặc con cái của mình. Trong gia đình, nhiều khi chúng ta kết tội nhau nhiều hơn là những lời yêu thương khích lệ. Chúng ta không được đồng loã hay im lặng trước tội lỗi và cái xấu, nhưng chúng ta được mời gọi hãy nhân từ, bao dung với người yếu đuối và kẻ có tội. Xin cho mỗi người, nhờ đón nhận niềm vui, sự bình an của ơn tha thứ trong mùa Chay này, mà cũng biết yêu thương, cảm thông và tha thứ cho những người chung quanh, như chính Chúa đã yêu thương và tha thứ cho mỗi người chúng ta. Amen!