Chúa nhật lễ Thánh Gia Thất, năm C
Mọi ngày đời ông Sa-mu-en sống, ông sẽ được nhượng cho Đức Chúa.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.
20 Ngày qua tháng lại, bà An-na thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Sa-mu-en, vì bà nói : “Tôi đã xin Đức Chúa, và Người ban nó cho tôi.” 21 Người chồng là En-ca-na lên với cả gia đình để dâng hy lễ thường niên cho Đức Chúa và để giữ trọn lời khấn hứa của mình. 22 Bà An-na không lên, vì bà nói với chồng : “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Đức Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi.”
24 Sau khi cai sữa cho con, bà đưa nó lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô ; đứa trẻ còn nhỏ lắm. 25 Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li. 26 Bà nói : “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề : tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. 27 Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. 28 Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa.” Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: 1Ga 3,1-2.21-24
Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
1Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào :
Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa
- mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta,
là vì thế gian đã không biết Người.
2Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa ;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,
chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
21Anh em thân mến,
nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta,
chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.
22Và bất cứ điều gì chúng ta xin,
chúng ta được Người ban cho,
bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người
và làm những gì đẹp ý Người.
23Đây là điều răn của Người : chúng ta phải tin
vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người,
và phải yêu thương nhau,
theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.
24Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa
thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
đó là nhờ Thần Khí,
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Lc 2,41-52
Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” 49 Người thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Đó là lời Chúa.
_________________
CHÚA LÀ NIỀM HY VỌNG CHO CÁC GIA ĐÌNH – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Năm Thánh thường kỳ 2025. Trong sắc chỉ công bố mở năm thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy chủ đề chung cho Giáo Hội là: Hành Hương Trong Hy Vọng, dựa trên lời của thánh Phaolô trong thư Rôma 5,5: Hy vọng không làm thất vọng. Thánh Phaolô đã khích lệ cộng đoàn Kitô hữu lúc bấy giờ đang trải qua cuộc bách hại kinh khủng của các hoàng đế Rôma. Giáo Hội non trẻ lúc đó tưởng chừng như bị tiêu diệt hoàn toàn, thế nhưng nhờ tin tưởng và đặt trọn niềm hy vọng nơi Chúa, các tín hữu đầu tiên đã từng bước chỗi dậy, bén rễ nơi mảnh đất Rôma và còn trở thành một cây cao bóng cả, vươn cành ra khắp thế giới như ngày hôm nay.
Lời mời gọi bước đi trong hy vọng của năm thánh cũng là lời mời gọi cho các gia đình ngày nay. Trong hoàn cảnh xã hội mới hiện tại, các gia đình cũng đang bị tấn công từ nhiều phía. Các giá trị tốt đẹp của đời sống hôn nhân gia đình (như thuỷ chung) bị coi thường, các tương quan gia đình càng ngày càng phai mờ. Các vấn đề như con cái hư hỏng, gia đình cãi vã, bạo lực, nghèo đói, thất nghiệp đang là vấn đề của nhiều gia đình. Nhiều gia đình quá chú tâm vào việc tìm kiếm giàu sang, tiền bạc, nhà cửa đến nỗi tương quan vợ chồng, con cái bị đe doạ và từ đó dẫn đến sự rạn nứt. Khi gặp khó khăn trong đời sống gia đình, nhiều người đã nhân danh tự do, nhân danh quyền phụ nữ, mất kiên nhẫn trong việc cùng nhau giải gỡ khó khăn, dẫn đến đổ vỡ. Trước bức tranh đời sống gia đình với nhiều mảng tối u ám như thế, đã khiến nhiều người rơi vào chán nản, thất vọng, mệt mỏi, buông xuôi tất cả và không muốn cố gắng để thay đổi tình trạng ấy.
Các bài đọc lễ Thánh Gia hôm nay cho thấy: Chúa là niềm hy vọng của các gia đình, Chúa sẽ giúp các gia đình vượt qua những khó khăn thử thách. Chỉ cần mỗi người hoàn toàn tin tưởng và kiên trì đến với Chúa, làm theo những gì Chúa truyền dạy, Chúa sẽ giải gỡ những khó khăn và đem lại sự bình an.
Bài đọc một sách Samuen kể lại câu chuyện của bà Anna là mẹ của tiên tri Samuen. Bà là môt phụ nữ có chồng, đã lớn tuổi nhưng vẫn không có con. Việc lấy chồng mà không có con quả là một nỗi buồn cho vợ chồng. Hơn nữa trong xã hội Do Thái, việc người phụ nữ không thể sinh con còn bị coi như là kẻ sống thất đức, bị Thiên Chúa trừng phạt, khoá lòng, khiến không thể có con. Điều này là một sự nhục nhã và là một áp lực rất lớn trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã không thất vọng, bà hết lòng tin tưởng nơi Chúa. Bà tin rằng chỉ có Chúa mới có thể cất khỏi bà nỗi nhục nhằn bà đang phải chịu. Vì thế, bà lên đền thờ để van nài cùng Chúa, bà cầu xin không mệt mỏi, đến độ những người chung quanh coi bà như một mụ điên, bà vẫn cứ cầu nguyện, cho dù mọi người cười chê.
Lời cầu xin của bà Anna đã được Chúa nhận lời, Chúa đã cho bà có một cậu con trai và đặt tên là Samuel. Điều đặc biệt nơi gia đình này là khi khó khăn thử thách họ đã tìm đến Chúa và khi niềm vui đến với gia đình, họ cũng đến với Chúa. Hai ông bà tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho gia đình có được đứa con trai, có nghĩa là Chúa cất đi nỗi nhục nhã và ban cho gia đình một tương lai và là niềm hy vọng lớn lao. Không chỉ dừng lại ở việc tạ ơn, hai ông bà còn dâng hẳn đứa con cho Chúa: Từ nay nó thuộc về Chúa. Điều này có nghĩa là bà Anna đã dâng cho Chúa cả tương lai, cả niềm hy vọng của mình, bà nhường lại đứa con cho Chúa để mọi ngày nó thuộc về Chúa. Đó chính là mẫu gương sống niềm hy vọng, đặt hy vọng nơi Chúa.
Tin Mừng Luca hôm nay cũng kể về niềm hy vọng của gia đình Giuse và Maria. Gia đình Giuse Maria lúc này gặp thử thách vì lạc mất người con, họ đã tìm kiếm khắp nơi mà không thấy. Chúng ta thấy một điều rất đặc biệt nơi gia đình Giuse Maria khi lạc mất đứa con, đó là hai người cùng lo lắng để tìm kiếm, họ không hề hoảng loạn hay chán nản, ông bà tìm mọi cách nhưng vẫn không thấy cậu con trai. Hai ông bà cũng không một lời oán trách hoặc đổ lỗi cho nhau, nhưng họ luôn thể hiện sự đồng tâm đồng lòng để giải quyết khó khăn.
Sau ba ngày nỗ lực theo cách của con người mà vẫn không giải gỡ được khó khăn, hai ông bà quay trở lại Giêrusalem. Quay lại Giêrusalem có nghĩa là hai người quay lại với Thiên Chúa, tìm giải pháp từ nơi Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và gặp gỡ Ngài. Hai ông bà ngạc nhiên khi thấy cậu con mình đang ở trong đền thờ, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa đặt câu hỏi với họ. Nói theo cách diễn tả của Đức Thánh Cha trong Năm Thánh này, việc Giuse Maria trở lại Giêrusalem, có nghĩa là hai ông bà đã cùng nhau thực hiện một cuộc hành hương trong hy vọng. Mấy ngày trước, Giuse Maria cùng với mọi người hành hương theo thói quen hằng năm, nhưng lần này, ông bà hành hương với tính cách của một gia đình cùng đi với nhau, cùng đi tìm gặp Chúa. Vì hai ông bà ý thức rằng, họ đã nỗ lực hết mình nhưng không giải quyết được gì, chỉ khi hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa, Chúa sẽ là niềm hy vọng chắc chắn cho gia đình, Chúa không bao giờ để kẻ tin vào Chúa, theo Chúa phải thất vọng.
Cao điểm của việc Giuse Maria khi gặp lại trẻ Giêsu là cuộc trò chuyện với cậu con trai cũng chính là Thiên Chúa. Giuse mặc dù là người trưởng gia đình nhưng Giuse đã giữ sự im lặng để suy gẫm về sự kiện này, còn Maria với cảm xúc của người mẹ, đã nói với trẻ Giêsu: Con ơi, sao con lại để cho cha và mẹ vất vả tìm con như thế? Chúa Giêsu đã đáp lại: sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Tin Mừng ghi lại Giuse và Maria đã không hiểu lời này. Vì có thể nhiều lúc hai ông bà quên rằng, người con mình sinh ra là quà tặng của Thiên Chúa, con mình thuộc về Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa
Tin Mừng Luca cho thấy kết thúc cuộc hành hương đặc biệt của gia đình Giuse Maria ngập tràn niềm vui, vì hai ông bà trở về nhà với sự hiện diện, đồng hành không chỉ là cậu con trai của mình mà còn là chính Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa cùng sánh bước với ông bà, về với gia đình, cùng sống, cùng hoạt động trong gia đình của ông bà. Không những thế, Giuse Maria còn tiếp tục góp phần mình để nuôi dưỡng và giúp cho Trẻ Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Trẻ Giêsu là Thiên Chúa đã đáp lại công sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ trần gian bằng việc sống ngoan ngoãn và hằng vâng lời cha mẹ.
Thưa quý OBACE, trong Năm Thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình của Giuse Maria để cả gia đình cùng nhau thường xuyên thực hiện những cuộc hành hương trở lại với Chúa, trở lại với đền thờ. Cuộc sống thường ngày có rất nhiều khó khăn, cơm áo gạo tiền, sức ép của công việc, bận tâm nặng lòng trong việc giáo dục con cái, khiến cho nhiều gia đình đã để lạc mất Chúa trong gia đình, trong tâm hồn. Chúng ta được mời gọi tin tưởng và đặt niềm hy vọng nơi Chúa để cả gia đình cùng quay trở lại với Chúa qua các việc đạo đức thường ngày: dâng lễ, xưng tội, rước lễ, qua các giờ kinh tối gia đình. Khi kiên trì quay trở lại với Chúa như thế, Chúa không bao giờ để chúng ta thất vọng, Chúa sẽ cho gia đình tìm lại được Chúa và Chúa sẽ cùng trở về nhà, cùng chia sẻ cuộc sống với gia đình, đem lại niềm vui và bình an cho gia đình.
Khi vợ chồng, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cố gắng cùng nhau nuôi dưỡng và làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong tâm hồn, trong gia đình, làm cho Chúa Giêsu trở thành một thành viên của gia đình, Chúa sẽ đáp lại sự hy sinh, cố gắng đó bằng việc Ngài sẵn sàng chia sẻ với những ưu tư, gánh nặng và những khó khăn, khúc mắc của gia đình và chắc chắn Chúa sẽ “vâng lời” khi chúng ta cậy nhờ đến Ngài, như xưa Ngài đã vâng lời thánh Giuse và Mẹ Maria. Amen!