Ngày 2/11 – Lễ cầu cho các Tín Hữu đã qua đời
Ông Giu-đa Ma-ca-bê đã làm một cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý, vì cho rằng người chết sẽ sống lại.
Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai
43 Khi ấy, ông Giu-đa Ma-ca-bê quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng hy lễ tạ tội ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. 44 Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. 45 Nhưng nếu ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông xin dâng hy lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Kh 21,1-5a.6b-7
Sẽ không còn sự chết.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
1 Tôi là Gio-an, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to : “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
5a Đấng ngự trên ngai phán : “Này đây Ta đổi mới mọi sự. 6b Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. 7 Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta.” Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 11,17-27
Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
17 Khi đến Bê-ta-ni-a, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !” 24 Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” 27 Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Đó là lời Chúa.
__________________
HY VỌNG VÀO SỰ PHỤC SINH – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Theo dân gian, nghĩa trang, nghĩa địa là nơi dùng để chôn cất những người đã chết, có nơi còn gọi đó là bãi tha ma. Đối với người Công Giáo, nơi chôn cất những người đã qua đời tại các giáo xứ được gọi là Đất Thánh, Vườn Thánh. Bởi vì nơi đây được Giáo Hội thánh hoá, chúc lành và những người an nghỉ tại đó được coi như các thánh, đang chờ đợi để được phục sinh. Đất Thánh như là một điểm hẹn, một trạm chờ để cùng nhau đón đợi ngày Thiên Chúa cho sống lại. Vì thế, nếu gọi nơi đây là nơi an nghỉ đời đời thì không đúng với niềm tin và giáo lý của Giáo Hội.
Hằng năm, người Công Giáo xum họp tại Đất Thánh để kính nhớ đến tổ tiên và các tín hữu đã qua đời. Nhưng đặc biệt hơn, xum họp nơi đây chúng ta cùng với Giáo Hội tuyên xưng niềm tin và hy vọng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và đồng thời bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn đến những người đã khuất. Niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau khiến cho người Kitô hữu khác biệt với các tôn giáo khác. Niềm tin này cũng là điều khó hiểu và khó chấp nhận đối với các tôn giáo khác. Người Phật giáo tin vào kiếp luân hồi, có nghĩa là con người sau khi chết sẽ trải qua một giai đoạn ba ngày, năm mươi và một trăm ngày để buông bỏ những vương vấn với người thân để đi đầu thai vào một kiếp khác. Theo quan niệm như thế, thì kiếp người là một hành trình vòng tròn “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” (TCS). Cũng vì thế, người ngoại giáo có những ngày cúng tuần ba tuần bảy.
Khác với quan niệm và tập tục Phật giáo, niềm tin vào Thiên Chúa cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn rằng: Sau khi chết, thân xác con người, vì là bụi đất nên phải trở về bụi đất, linh hồn thuộc về Thiên Chúa thì sẽ trở về với Thiên Chúa. Người tốt lành thánh thiện thì được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, người từ chối Thiên Chúa thì bị loại trừ và phải sa vào hoả ngục, còn những người mang trong mình những khiếm khuyết, cần có thời gian thanh luyện để cho nên tinh ròng vào hưởng hạnh phúc với Chúa, đó là các linh hồn nơi luyện tội. Đến ngày Thiên Chúa trở lại để phán xét muôn loài muôn vật, Ngài sẽ cho con người sống lại, linh hồn trở lại với thân xác. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa, mà chỉ có những người trung tín với Chúa, hết lòng yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em, thì mới được vào hưởng hạnh phúc cùng Ngài. Còn những ai từ chối Chúa và từ chối anh chị em, thì sẽ bị loại trừ vĩnh viễn. Niềm tin này dẫn đến việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, là những người đang còn phải thanh luyện để được trở nên tinh tuyền, trước khi vào Nước Thiên Chúa. Việc cúng bái, tin kiêng theo thói quen dân ngoại là điều sai lạc với đức tin Kitô giáo.
Niềm tin thân xác loài người ngày sau sống lại là niềm tin đã có từ rất lâu trong Cựu Ước. Vì niềm tin này mà ông Gióp đã đón nhận tất cả niềm vui cũng như tai hoạ xảy đến cho mình và gia đình trong sự tin tưởng phó thác nơi Chúa. Ông tin rằng “Chúa ban cho rồi Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa.” Trong lúc ông đau đớn vì bệnh tật thể xác và cô đơn trong tâm hồn vì bị người thân và bạn hữu xa lánh, ông vẫn tuyên xưng niềm tin của mình: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống, và ngày tận thế, tôi sẽ từ bụi đất sống lại. Chính mắt tôi sẽ ngắm nhìn Người.”
Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người, Ngài muốn cho con người được sống hạnh phúc chứ không phải bị loại trừ, huỷ diệt. Vì thế, khi con người từ chối Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu đến để tìm kiếm và cứu chuộc con người. Qua cái chết và sự sống lại, Thiên Chúa đã tha thứ, đã đưa con người trở lại với Ngài. Qua việc Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, Thiên Chúa ban cho con người sự sống và cũng bảo đảm chắc chắn ai tin vào Chúa Giêsu và sống theo những điều Người dạy, thì sẽ được sống lại hạnh phúc với Người.
Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã xác nhận và giải thích thêm tại sao con người sẽ được sống lại? Lý do là vì: con người được Chúa yêu thương. Thiên Chúa đã trao chúng ta cho Đức Giêsu Con của Ngài. Do đó, Đức Giêsu hết lòng yêu mến và bảo vệ món quà là nhân loại. Ngài không muốn một ai trong loài người bị hư mất: “Tất cả những kẻ Chúa Cha ban cho Tôi… Tôi sẽ không loại ra ngoài.” Chúa Giêsu cho biết, sở dĩ Ngài phải hết sức yêu thương bảo vệ từng người là vì: “Tất cả những kẻ Chúa Cha trao cho Tôi, Tôi không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” Đó là điều Thiên Chúa muốn và Đức Giêsu đã làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Điều này cho thấy, Thiên Chúa không muốn để cho con người phải bị huỷ diệt trong sự chết, nhưng muốn cho họ được sống lại và sống đời đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa không thể giữ mãi chúng ta, nếu chúng ta cứ cố vùng vẫy để thoát khỏi tình yêu thương của Ngài. Những ai tìm cách trốn tránh Thiên Chúa, thì sẽ không bao giờ được gặp Thiên Chúa nữa. Những ai để cho Chúa yêu thương và bảo vệ, sẽ được sống lại và cùng hưởng hạnh phúc với Ngài. Còn những kẻ yếu đuối lỡ lầm nhưng có lòng ăn năn, Chúa cho họ có thời gian thanh luyện trong hy vọng để được vào Nhà Thiên Chúa.
Chính vì niềm tin vào sự sống lại mai sau, mà hôm nay chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho người thân và các tín hữu đã qua đời. Các linh hồn ấy là ông bà, cha mẹ, người thân và mọi tín hữu đã đi trước chúng ta. Có thể các ngài còn thiếu sót trước mặt Thiên Chúa và còn đang phải thanh luyện; thì, vì những hi sinh, Thánh lễ và lời cầu nguyện của người còn sống, xin Chúa giảm bớt thời gian thanh luyện mà cho họ được vào Nước Trời. Vì thế, tụ họp nhau nơi đây còn là dịp để mỗi người thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên. Chúng ta biết ơn cha mẹ vì công sinh thành dưỡng dục, chúng ta mang ơn các ngài vì bao hy sinh, vất vả, lo lắng và tình yêu thương các ngài dành cho ta mà ta chưa làm gì để đền đáp. Chúng ta biết ơn cha mẹ, vì nhiều lần chúng ta hỗn láo, làm đau lòng các ngài, nhưng cha mẹ vẫn yêu thương tha thứ. Ngày hôm nay, các ngài đau yếu bệnh tật là vì khi xưa đã quá vất vả, nhịn ăn nhịn mặc, thiếu thốn tư bề để cho ta được no ấm, được bằng anh bằng em, bằng bè bằng bạn.
Chúng ta thể hiện lòng biết ơn không chỉ khi cha mẹ và người thân đã mất, nhưng cần phải thể hiện lòng biết ơn khi các ngài còn sống với ta. Lòng biết ơn không thể hiện qua ngôi mộ to, đám tang lớn, nhưng phải thể hiện bằng tình yêu thương, sự kính trọng, ngay khi cha mẹ, người thân còn sống. Chúng ta biết ơn bằng kiên nhẫn và cảm thông với tuổi già của ông bà cha mẹ, vì ngày xưa khi ta còn nhỏ, các ngài cũng đã phải hết sức kiên nhẫn và cảm thông với ta. Chúng ta thể hiện lòng biết ơn bằng việc chăm sóc khi các ngài bệnh tật, an ủi thăm hỏi khi các ngài lớn tuổi, vì khi xưa các ngài đã từng mất ăn mất ngủ mỗi khi ta đau ốm, đã phải vất vả rất nhiều để chăm sóc khi ta còn nhỏ. Chúng ta thể hiện lòng thảo hiếu, biết ơn bằng những lời nói kính trọng, cử chỉ yêu thương, đừng gắt gỏng, chửi bới khiến cha mẹ tủi thân, tủi phận. Vì xưa các ngài đã kiên nhẫn dạy chúng ta từng câu từng chữ và dạy ta bao điều tốt đẹp.
Trong thực tế, không thiếu những người con đối xử tệ bạc, có những lời lẽ coi thường xúc phạm với ông bà cha mẹ. Có những đứa con khi trưởng thành, có tiền, xây được căn nhà, coi cha mẹ như kẻ ăn người ở trong nhà. Có những đứa con còn đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, mà không hề nghĩ đến công sinh thành dưỡng dục. Cho dù cha mẹ có làm điều gì sai trái, thì các vị ấy có lỗi với Chúa, con cái không bao giờ được phép đối xử tệ bạc với cha mẹ. Thực tế, có cả những đứa con chửi bới mày tao với đấng đã sinh ra mình. Những hành vi vô ơn bất hiếu đối với cha mẹ ông bà đều là những hành vi đáng bị kết án.
Với vai trò là ông bà cha mẹ, chúng ta cũng phải cảm thông, dễ dàng tha thứ cho con cháu và hết mình yêu thương. Đừng bao giờ trở thành kẻ gây gương xấu cho con cháu. Vì: sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. Hôm nay ta biết tôn kính, thảo hiếu, biết ơn cha mẹ, ông bà, sau này con cháu cũng sẽ nhớ đến chúng ta với lòng thảo hiếu biết ơn. Ngược lại, hôm nay chúng ta bất hiếu, bất kính, sau này con cháu ta cũng sẽ đối xử như vậy với ta. Hôm nay, ta gieo những điều xấu, gương xấu như gian dối, cờ bạc, rượu chè, cãi vã, nói năng tục tĩu, chửi bới ông bà, điều này không chỉ khiến con cháu ta hư hỏng mà sau này con cháu cũng sẽ lấy thứ đó mà đối xử lại với ta.
Xin Chúa cho chúng ta nhờ niềm tin và hy vọng sẽ được sống lại, thúc đẩy chúng ta biết cố gắng sống tốt với Chúa và sống hoà hợp yêu thương với mọi người ngay từ hôm nay. Xin cho chúng ta biết sống thảo hiếu biết ơn Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu chuộc; biết ơn ông bà cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục ta nên người và nên con Chúa. Để rồi nhờ biết sống thảo hiếu với Chúa và với mẹ cha, chúng ta có thể sẽ được sống lại hưởng hạnh phúc trong Nhà Chúa cùng với ông bà cha mẹ của mình. Amen!