Chúa nhật XXIX Thường Niên, năm B

Bài đọc 1: Is 60,1-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân ;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha :
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA. Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: 1Tm 2,1-8

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

1Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, 2cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. 3Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. 5Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, 6Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.

Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.7Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ –tôi nói thật chứ không nói dối– nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. 8Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 16,15-20

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

15Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng. Đó là lời Chúa.
_______________________
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Hằng năm, Giáo Hội dành trọn một Chúa nhật trong tháng Mười để cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo. Không phải chỉ có ngày hôm nay là ngày truyền giáo, mà bản chất và sứ mạng của Giáo hội là Loan Báo Tin Mừng. Việc cử hành này là dịp để mọi thành phần trong Giáo Hội nhìn lại công cuộc loan báo Tin Mừng, đồng thời nhắc cho mỗi người không ngừng thực hiện sứ mạng này mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Đây là dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại công cuộc Loan Báo Tin Mừng, gương sống đạo của cha ông, các bậc tiền nhân và trách nhiệm của chúng ta ngày nay.

Việt Nam hiện nay người Công Giáo vẫn là một thiểu số rất nhỏ so với toàn dân Việt Nam. Tin Mừng của Chúa đã được các vị thừa sai đầu tiên đem đến mảnh đất Việt nam này từ thế kỷ 16 tại làng Ninh Cường thuộc giáo phận Bùi Chu ngày nay. Lúc đó, tổ tiên cha ông chúng ta đã sẵn sàng đón nhận một tôn giáo mới, một nếp sống mới với một tâm hồn chân thành. Mặc dù lúc đó các ngài chưa hiểu nhiều về giáo lý, nhưng qua đời sống yêu thương gắn bó với nhau, họ khiến cho nhiều người ngoại nhận ra Chúa Giêsu và tin theo. Những người lương dân ngạc nhiên vì thấy những người Công Giáo gắn bó với nhau, yêu thương nhau, họ đặt tên cho những người có đạo lúc bấy giờ là: Những người theo đạo thương nhau. Tình yêu thương có sức lan tỏa khiến cho những người tin vào Chúa Giêsu đã gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, các thống kê cho thấy, số người Công Giáo gia tăng không đáng kể, chỉ dừng lại ở tỷ lệ 7-8% dân số. Con số những người theo đạo vì thấy gương sống của người tín hữu dường như ít hơn những người theo đạo vì lý do hôn phối. Phải chăng chúng ta đã dậm chân tại chỗ trong việc loan báo Tin Mừng? Phải chăng chúng ta đã không sống và thể hiện tình yêu thương đủ và có sức lay động tâm hồn người khác, dẫn họ đến việc tin theo Chúa? Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc trì trệ này:

1/ Nhiều người không cảm thấy tự hào mình là người Công Giáo, sống tự ti mặc cảm. Nhiều người Công Giáo bước vào các môi trường xã hội như nhà trường, công ty, thấy mình có đạo như lẻ loi. Một thời gian dài những người Công Giáo bị nghi kỵ, trù dập và bị coi như công dân hạng hai, khiến cho nhiều người rơi vào tự ti mặc cảm. Hơn thế nữa, do chính sách tuyên truyền của chính quyền, khiến cho nhiều người dân ngoại nhìn những người công giáo như những kẻ phản quốc, bất hiếu, cần phải đề phòng. Trong xã hội có một sự phân biệt đối xử một cách rõ ràng, khiến cho nhiều người Công Giáo cảm thấy mình bị loại trừ không được chấp nhận. Nhiều người vì sợ hãi hoặc vì muốn tìm kiếm địa vị xã hội, muốn tiến thân, nên không ngần ngại nhận mình là người không tôn giáo. Một khi mang tâm trạng tự ti mặc cảm như thế, thì không thể làm chứng cho Chúa được. Cha ông chúng ta ngày xưa cũng bị nghi kỵ như thế, nhưng các ngài đã phá vỡ mặc cảm này và khẳng định cho mọi người thấy chính Tin Mừng và Chúa Kitô đã dạy chúng ta một nếp sống thật tốt, đã huấn luyện chúng ta nên những con người hoàn thiện, đáng tin.

2/ Lý do thứ hai khiến cho đạo Công Giáo không trở nên hấp dẫn thu hút được nhiều người khác là vì các Kitô hữu sống đạo một cách hời hợt không có sức sống. Nhiều người sống đạo chỉ như một thói quen; có sự chênh lệch giữa giáo lý và đời sống thực tế. Nhiều người có đạo sống không tốt hơn những người ngoại, nhiều khi còn trở thành gương xấu, khiến người ngoại không muốn tìm hiểu đạo. Đời sống các gia đình Công Giáo không có gì khác hơn các gia đình khác, còn nhiều những cãi vã, chửi bới, bạo hành. Không chỉ trong đời sống cá nhân, mà trong đời sống cộng đoàn giáo xứ cũng không có gương sáng. Nhiều giáo xứ rềnh rang những cuộc rước sách, kèn trống, lễ lạc bên ngoài mà không quan tâm đến đời sống bác ái chia sẻ trong cộng đoàn. Nhiều nơi quan tâm đến bề nổi và những hình thức phô trương mà bỏ qua việc xây dựng chiều sâu và đời sống đức tin. Vì sống đạo theo lối mòn như thế, làm mất đi sức sống và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng.

3/ Lý do sâu xa hơn khiến cho việc loan báo Tin Mừng không phát triển là do nhiều người Kitô hữu không có Chúa, không biết Chúa, và không gặp Chúa bao giờ. Mang danh là Kitô hữu, là người có Chúa Kitô, tuy nhiên cuộc sống của nhiều người đã không chỉ cho người khác nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lời nói, hành động và cuộc sống của họ. Nhiều Kitô hữu đã bỏ qua, hoặc coi nhẹ việc đón rước Chúa vào trong tâm hồn và để cho Chúa biến đổi cuộc sống mình. Nhiều người sống đạo nhưng không lãnh nhận Bí Tích, không chuyên chăm trong việc dâng lễ thờ phượng Chúa.

Nhiều người xưng mình là Kitô hữu, nhưng họ lại không biết gì về Chúa Kitô hoặc biết về Ngài một cách hết sức sơ sài. Sở dĩ họ không biết về Chúa Kitô vì họ bỏ qua việc nghe, đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Vì chỉ nhờ Kinh Thánh chúng ta mới có thể biết về Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài mà thôi. Mang danh là người Công giáo, nhưng nhiều tín hữu không biết về giáo lý của đạo Công Giáo, vì thế mỗi lần phải giải thích cho anh chị em lương dân, họ tỏ ra hết sức lúng túng và nói không xác tín.

Sở dĩ chúng ta không thể nói về Chúa Kitô cho người khác một cách mạnh dạn, tự hào và tự tin, là vì nhiều người chưa bao giờ gặp được Chúa Giêsu. Chúng ta tin Chúa, theo Chúa, nhưng quan trọng hơn chúng ta phải gặp được Chúa, thì cuộc đời chúng ta mới có thể biến đổi và hạnh phúc. Chúng ta có thể gặp được Chúa qua những giờ phút cầu nguyện, sống riêng tư thân tình với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa nói qua từng biến cố của cuộc sống. Chúng ta có thể gặp được Chúa qua việc thường xuyên suy gẫm Kinh Thánh, tham dự Thánh lễ và rước lễ cách sốt sắng. Chỉ khi chúng ta có kinh nghiệm gặp gỡ tiếp xúc với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể nói về Chúa cho người khác cách mạnh dạn, tự tin, và khi đó, lời nói của chúng ta mới đáng tin được.

Cử hành ngày Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, chúng ta phải thực tâm nhìn lại bản thân, lối sống của mình và của cộng đoàn để nhận ra những thiếu sót và những cản trở khiến cho Tin Mừng của Chúa bị chựng lại không lan tỏa đến với đồng bào chung quanh. Chúng ta cùng thành tâm xin lỗi Chúa và quyết tâm điều chỉnh lại, từ suy nghĩ đến hành động của mỗi cá nhân và cả cộng đoàn, cùng thúc đẩy nhau sống loan báo Chúa Kitô cho mọi người.

Chúng ta có thể bắt đầu nói về chúa cho gia đình bên cạnh qua việc sống thân thiết, quan tâm chia sẻ, và cầu nguyện cho họ. Đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta những cách giới thiệu Chúa Kitô cho anh chị em.

– Chúng ta nói về Chúa bằng cách sống và bước theo Chúa không phải để tìm kiếm vật chất, địa vị, chỗ cao chỗ thấp, mà là dám chia sẻ cùng một sứ mạng với Chúa, cùng uống một chén và cùng chịu một phép rửa với Chúa. Nói cách khác, Chúa mời các môn đệ của Chúa phải nên giống Chúa hoàn toàn, cùng mang lấy trái tim và đôi tay của Chúa, cùng suy nghĩ, cùng hành động để cùng với Chúa chạnh thương và chia sẻ. Sống và thực hành như thế, mọi người sẽ nhận ra Chúa Kitô trong chúng ta.

– Chúa muốn trong cộng đoàn, trong gia đình phải gạt bỏ sự ghen tỵ tức tối nhau; cùng nhau xây dựng gia đình và cộng đoàn thành một cộng đoàn yêu thương và phục vụ: “Thủ lãnh thế gian thì dùng quyền mà thống trị, người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm đầu thì phải làm người phục vụ và là đầy tớ mọi người”. Như thế có nghĩa là mỗi người dám bỏ ý riêng, quyền lời riêng, để biết nghĩ đến ích chung và quyền lợi chung, nghĩ đến lợi ích của anh em mình trước. Mỗi người khi dám cúi xuống phục vụ anh chị em một cách chân thành, không tính toán thiệt hơn, đó là cách để mọi người chung quanh nhận ra Chúa nơi sự phục vụ của chúng ta.

Chung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa biết Chúa Giêsu và Tin Mừng. Chúng ta không thể làm ngơ, trái lại mỗi người phải cảm thấy mình bị thôi thúc, đòi buộc phải làm gì đó cho họ biết Thiên Chúa là Cha và biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.