Chúa nhật XXV Thường Niên, năm B
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã.
Bài trích sách Khôn ngoan.
12 Phường vô đạo lên tiếng nói :
“Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,
vì nó chỉ làm vướng chân ta,
nó chống lại các việc ta làm,
trách ta vi phạm lề luật,
và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.
17Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
18Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
19Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
20Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Gc 3,16 - 4,3
Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.
3 16 Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. 17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. 18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.
4 1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? 2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin ; 3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Mc 9,30-37
Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” Đó là lời Chúa.
_________________
LÃNH ĐẠO LÀ PHỤC VỤ – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, không biết từ bao giờ, người ta thường gọi những người làm việc trong bộ máy chính quyền là các quan chức. Với chữ quan chức, người ta hiểu đó là những người giống như các vua quan ngày xưa, có quyền lực, có thể ra oai và sai khiến người khác, có kẻ hầu người hạ. Vì thế mà nhiều người muốn ra làm quan, chỉ để được có quyền cao chức trọng, được mọi người cúi đầu tuân phục và được nhiều bổng lộc, hơn là để phục vụ cho công ích. Quyền lực, địa vị, tiền bạc, danh vọng là những thứ luôn quyện vào nhau và là cơn cám dỗ cho nhiều người. Cám dỗ quyền lực, địa vị, muốn mình có quyền cao hơn người khác không chỉ trong xã hội, mà nó còn thể hiện dưới nhiều hình thức và các mức độ khác nhau, trong đời sống gia đình đến đời sống tôn giáo. Cho dù con người sống trong gia đình hay tham gia vào sinh hoạt xã hội, tôn giáo, dù ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, thì cũng bị cám dỗ tham vọng quyền lực. Để giành được quyền lực, địa vị trong xã hội, nhiều người đã hãm hại nhau, làm mất thanh danh của nhau. Chúng ta có thể thấy tình trạng như thế trong hoạt động chính trị tại nhiều quốc gia và cũng có thể thấy trong cung cách của một số vị lãnh đạo tôn giáo hoặc trong nhiều gia đình.
Ngày xưa các tông đồ theo Chúa Giêsu cũng nuôi tham vọng giành được địa vị, chức tước và cả bổng lộc nữa. Chúng ta còn nhớ trong đoạn Tin Mừng tuần trước, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ: Còn anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô đã tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, tuy nhiên, các tông đồ lại hiểu hoàn toàn khác về sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu. Các ông nghĩ rằng, Thầy của các ông sẽ làm cuộc cách mạng, nổi dậy chống lại chính quyền Rôma và tái lập lại vương quốc Israel như ngày xưa. Vì thế, liền sau lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu đã phải điều chỉnh lại suy nghĩ của các tông đồ. Người nói cho các ông biết, Người là Đấng Mêsia cứu thế, tuy nhiên, Người không làm cách mạng, không hoạt động chính trị và cũng không cứu độ nhân loại theo cách suy nghĩ của các tông đồ. Nhưng Người nói cho các ông biết rằng: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại.
Tin Mừng ghi lại rằng: Các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi lại Ngài. Khi viết như thế, dường như tác giả Tin Mừng đã nói nhẹ vấn đề. Vì thực ra không phải các tông đồ không hiểu, nhưng vì các ông không muốn hiểu, và không muốn nghe những sự thật như thế. Các ông vẫn cứ để mình sống trong ảo tưởng vì nghĩ rằng: khi Thầy thành công trong việc cứu độ, các ông sẽ được chia sẻ địa vị, quyền lực, sẽ trở thành những quan chức cấp cao. Các ông làm thinh, không dám hỏi lại Chúa vì sợ phải nghe và chấp nhận một sự thật mà các ông không muốn.
Các tông đồ không hiểu và không muốn hỏi lại Chúa, vì vấn đề các ông đang quan tâm lúc này không phải là Chúa, cũng không phải việc Người cứu thế bằng cách nào. Điều các ông quan tâm lúc này là việc phân chia quyền lực, xem ai là người lớn nhất trong anh em, ai có quyền ra lệnh sai khiến người khác. Có lẽ, cuộc phân chia quyền lực đã đến hồi bất hoà, gay gắt, mà tác giả Tin mừng ghi lại là: Các ông đã cãi nhau. Chúa Giêsu biết điều đó, nhưng Người đợi đến khi vào nhà, Người ngồi xuống và gọi các môn đệ lại cùng ngồi xuống, lúc đó Người mới hỏi các ông: Dọc đường các con đã bàn tán điều gì vậy?
Thông thường, khi muốn chỉnh sửa hoặc dạy bảo các tông đồ điều gì, Chúa Giêsu thường nói ngay, cho dù lúc đó là đang đi đường hoặc trước đám đông. Nhưng lần này là vấn đề hết sức quan trọng, vì nó liên quan đến mục đích của việc theo Chúa và thái độ sống phải có của người môn đệ. Do đó, Chúa Giêsu đợi đến khi vào nhà, Người yêu cầu các tông đồ ngồi xuống để nghe một cách nghiêm túc bài học mà Chúa muốn dạy các ông. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của bài học mà Chúa muốn dạy các học trò của Ngài: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. Một bài học ngắn gọn, dứt khoát và cũng là một nguyên tắc căn bản, đòi buộc tất cả những người muốn trở nên môn đệ của Chúa. Điều này có nghĩa rằng: Người đứng đầu không phải là người thi hành hoặc thể hiện quyền lực của mình; cũng không phải là người sai khiến, ra lệnh cho anh em. Người đứng đầu không phải là kẻ ăn trên ngồi trước, mà là người dám lui lại đằng sau để giúp người khác vươn lên và hơn nữa còn dám trở thành điểm tựa cho người khác phát huy khả năng của họ. Người lãnh đạo mà Chúa Giêsu muốn, đó là người không ngại vất vả, không sợ hy sinh, dám xả thân mình để phục vụ anh chị em. Lời dạy này của Chúa Giêsu trở thành tiêu chuẩn cho tất cả mọi người được chọn lên làm đầu, làm người lãnh đạo trong cộng đoàn.
Để đưa ra một hình ảnh về sự phục vụ vô vị lợi, không tính toán, không điều kiện, Chúa Giêsu đã đặt một em nhỏ ở giữa các tông đồ và mời gọi: Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy. Và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Tại sao Chúa Giêsu lại lấy hình mẫu của sự phục vụ là việc đón tiếp một em nhỏ? Thưa: Trong xã hội Do Thái, trẻ nhỏ và phụ nữ không được kể đến và cũng không có vị trí nào trong xã hội. Trẻ nhỏ là những kẻ thấp kém, bị thiệt thòi và không được sự quan tâm của người khác. Vì vậy, đón nhận, giúp đỡ, chăm sóc một trẻ nhỏ thì không có lợi lộc gì, chỉ thêm phiền hà và bất tiện mà thôi. Cũng vậy, việc trở nên kẻ làm đầu thì cũng giống như những người phục vụ chấp nhận tốn kém, thiệt thòi và sự phiền hà mà không mong được chút lợi lộc nào.
Đàng khác, khi Chúa mời gọi các tông đồ của mình đón nhận một trẻ nhỏ và phục vụ chúng, Người sẽ kể như phục vụ cho chính Chúa, hơn nữa còn là phục vụ cho Thiên Chúa Cha nữa. Như thế có nghĩa là người đứng đầu, người phục vụ anh em, cần phải nhìn ra Chúa ở nơi anh chị em mình. Phục vụ anh chị em cách nhiệt tình, thật lòng như phục vụ cho chính Chúa vậy.
Thưa quý OBACE, đòi hỏi của Chúa dành cho những người đứng đầu là như thế. Tuy nhiên, con người vẫn luôn bị cám dỗ tìm kiếm địa vị, danh vọng, quyền lực, bổng lộc và phục vụ bản thân mình; muốn mọi người ghi công ghi danh cho mình. Trong thực tế xã hội, tôn giáo và gia đình vẫn xảy ra việc tranh giành quyền lực, hoặc bè nhóm để phân chia địa vị cho nhau. Thánh Giacôbê trong bài đọc hai cũng đã cảnh báo: Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa.
Trong các hoạt động chính trị trên thế giới, chỉ vì quyền lực, vì tham vọng ngông cuồng của người lãnh đạo, mà gây ra chiến tranh, đau khổ, chết chóc cho người khác. Chúng ta có thể thấy điều đó trong các cuộc chiến trên thế giới hiện nay. Ai cũng muốn làm bá chủ thế giới, ai cũng muốn thành kẻ lãnh đạo, điều hành cả thế giới. Tại các quốc gia, chúng ta có thể nhận thấy, chạy đua quyền lực là một cuộc chạy đua khốc liệt và kèm theo nhiều thủ đoạn để loại trừ nhau hoặc phe nhóm của đối thủ. Những người này muốn leo lên vị trí lãnh đạo là để thống trị, để tìm lợi ích cho bản thân và phe nhóm của mình, mà bỏ qua việc phục vụ công ích và đời sống người dân.
Trong Giáo Hội cũng không tránh khỏi việc có những vị lãnh đạo đã bỏ qua bài học phục vụ mà Chúa Giêsu đòi hỏi. Họ biến mình trở thành những quan chức quyền hành, hống hách như ngoài xã hội; không còn phài là người rốt hết, cũng không còn phải là người phục vụ anh em, mà biến mình trở thành kẻ ban phát có điều kiện. Tức là chỉ phục vụ khi người khác đáp ứng được những tiêu chí cá nhân của mình.
Trong gia đình, cha mẹ là những người phục vụ con cái cách vô vị lợi, anh em bạn hữu phục vụ nhau cách quảng đại. Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng đã xảy ra việc cạnh tranh quyền lực, thứ bậc giữa vợ, chồng và các thành viên trong gia đình. Nhiều gia đình đã hình thành thể chế: trọng người làm ra tiền và coi thường người không làm ra tiền. Người làm ra tiền, làm chủ kinh tế trong gia đình thường được coi như người có tiếng nói quyết định, còn người không làm ra tiền bị khinh dể và bị bỏ rơi trong gia đình của mình. Tất cả những điều đó gây ra bất an bất ổn và bất hạnh cho gia đình.
Xin Chúa giúp chúng ta biết học theo gương phục vụ của Chúa Giêsu: Phục vụ đến hiến trao cả mạng sống. Xin cho mỗi người cũng biết điều chỉnh lại thái độ của mình khi phục vụ anh chị em cho đúng với đòi hỏi của Chúa Giêsu. Amen!