Chúa nhật XXIV Thường Niên, năm B

Bài đọc 1: 50,5-9a
Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi ? Cùng nhau ta hầu toà !
Ai muốn kiện cáo tôi ? Cứ thử đến đây coi !
9aNày, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội ? Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: Gc 2,14-18
Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.

Bài trích thư của thánh Gia-cô-bê tông đồ.

14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? 15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16 mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?

17 Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết. 18 Đàng khác, có người sẽ bảo : “Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 8,27-35
Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ?” 28 Các ông đáp : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” 29 Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô.” 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Đó là lời Chúa.
___________________
TUYÊN XƯNG NIỀM TIN VÀO CHÚA GIÊSU – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, trong một lần nói chuyện, Đức TGM Hà Nội có chia sẻ rằng: Khi hỏi một người Hồi Giáo: Có bao nhiêu phần trăm người Hồi Giáo đọc và thuộc kinh Coran? Họ trả lời là 100%. Khi hỏi một anh em Tin Lành: Có bao nhiêu phần trăm người Tin Lành đọc và thuộc Kinh Thánh? Họ trả lời 95%. Còn khi hỏi người Công Giáo: Có bao nhiêu phần trăm người Công giáo đọc và thuộc Kinh Thánh? Câu trả lời sẽ là 0%.

Câu trả lời này là một điều đáng buồn, vì nhiều người Công Giáo không có thói quen đọc Kinh Thánh, thế nên cũng không hiểu, không thuộc. Và vì không đọc, không hiểu Kinh Thánh, nên người tín hữu không thể nói về Chúa Giêsu và không thể đặt trọn niềm xác tín vào Người. Hoặc họ nói về Chúa Giêsu, nhưng hết sức xa lạ, không phải là Chúa Giêsu của Tin Mừng. Trong Kinh Thánh cho thấy nhiều lần ma quỷ nói về Chúa Giêsu, nhưng nó nói trong ghen tỵ, chỉ trích. Vì thế, Chúa Giêsu luôn cấm không cho chúng nói, vì Người không muốn nghe và cũng không muốn để ai nghe những lời tuyên xưng dối trá, thù hằn, ghen tỵ của ma quỷ.

Nơi nhiều Kitô hữu, sự hiểu biết, sự xác tín vào Chúa Giêsu có lẽ cũng còn rất mơ hồ, khiếm khuyết. Nhiều người tin Chúa Giêsu, nhưng lại không biết Người là ai, Người làm gì cho nhân loại và Người muốn ta làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay kể lại: Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng, mặc khải cho mọi người về sứ mạng của mình, hôm nay Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi cho các tông đồ là những người cận kề với Chúa và cũng là câu hỏi Chúa đặt ra cho từng người chúng ta: Người ta bảo Thầy là ai? Các con bảo Thầy là ai?

Suốt mấy năm qua, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ: hoá bánh ra nhiều, chữa lành kẻ câm, điếc, bệnh tật, yếu liệt, cho kẻ chết sống lại, đã có một số người tin Ngài là đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, sự hiểu biết và niềm tin của mỗi người ở nhiều mức độ khác nhau. Hôm nay, trong bầu khí riêng tư chỉ có Chúa Giêsu và các tông đồ, Chúa đã đặt câu hỏi với các ông: Dân chúng nói Thầy là ai? Các tông đồ trả lời: Người thì bảo là Gioan tẩy giả, kẻ thì nói là Êlia, kẻ khác cho là một ngôn sứ nào đó. Câu trả lời cho thấy lòng tin của dân chúng vào Chúa Giêsu còn rất mơ hồ, lẫn lộn. Họ không vượt qua được cái nhìn thiên kiến, không khiêm tốn mở lòng để đón nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu. Vì thế họ không đón nhận, cũng không tin Người là Đấng Cứu Thế đến từ nơi Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Có thể nói, câu hỏi này giống như bài kiểm tra quan trọng của Chúa dành cho các môn đệ. Ông Simon Phêrô đã thay cho anh em trả lời cách chính xác: Thầy là Đấng Kitô. Khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, có nghĩa là các tông đồ đã tin Thầy của các ông là Đấng Cứu Thế, Đấng từ Trời mà xuống như các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo. Mặc dù đây là câu trả lời đúng, nhưng Chúa Giêsu không khen các tông đồ như trong Tin Mừng Matthew; mà liền sau đó, Chúa Giêsu đã nói cho các ông về cuộc khổ nạn của Người. Tại sao vậy? Thưa, vì thực ra cho đến lúc này, mặc dù tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô - Cứu Thế, nhưng các tông đồ vẫn mơ tưởng đến một Đấng cứu thế quyền lực, oai phong như một vị vua, hoặc như một chiến binh. Hiểu như thế có nghĩa là đã hiểu sai về sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu.

Thế nên liền sau lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu đã phải giải thích thêm về sứ mạng của Người: Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Chúa Giêsu cho các ông thấy, con đường cứu độ của Người không phải con đường chính trị, quân sự, hay bạo lực, nhưng là đau khổ, là hy sinh; cũng không phải để tìm kiếm địa vị hay vinh quang, mà là chấp nhận cái chết vì yêu mến và vâng phục. Chúa Giêsu cũng cho thấy con đường cứu độ của Người không dừng lại ở đau khổ và sự chết, nhưng là sự phục sinh, là đời sống mới.

Chắc chắn với những lời dạy này, các tông đồ đã không thể hiểu và không dễ dàng chấp nhận. Vì các ông vẫn mong đợi những thứ vinh quang, danh vọng trần thế. Cũng vì vậy, Simon Phêrô kẻ vừa mới tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, lại kéo riêng Thầy ra để can ngăn, và thánh Marcô còn nói là ông trách Thầy. Các ông trách Thầy vì có lẽ các ông dường như bị hụt hẫng trước lời tuyên bố rõ ràng về sứ mạng của Thầy. Chúa Giêsu không vì sự ngăn cản của các tông đồ mà xiêu lòng, Người dứt khoát quở trách Phêrô và cũng là lời nhắc nhở cho các tông đồ: Satan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.

Chúa trách Phêrô nặng lời vì ông đã biến mình thành vật cản đường Thầy. Ông đã đứng sai vị trí là môn đệ, là học trò của mình. Ông muốn biến mình thành kẻ dẫn đường cho Chúa, muốn Chúa làm theo ý mình. Vì thế Chúa nói với ông: Lui lại đàng sau Thầy! Lui lại đàng sau Thầy là trở lại đúng vị trí của người học trò đi theo Thầy, lắng nghe và đón nhận sự giáo huấn của Thầy. Lui lại đàng sau Thầy còn có nghĩa là ẩn nấp dưới sự che chắn, bảo vệ của Thầy, vì anh không thể đương đầu được với Satan nếu không có Thầy bảo vệ. Chúa còn muốn các môn đệ phải vâng phục và mở lòng đón nhận tư tưởng, ý muốn của Thiên Chúa, đừng bao giờ tìm cách thoái thác hay cưỡng lại hoặc đòi Chúa phải làm theo ý mình. Mà ý Thiên Chúa muốn Đức Giêsu là cứu chuộc nhân loại bằng con đường khổ nạn và phục sinh.

Thưa quý OBACE, Chúa Giêsu biết khi nói những yêu cầu, những đòi hỏi của Thiên Chúa, các môn đệ và đám đông dân chúng không dễ dàng chấp nhận. Chúa Giêsu không ép, Người mời gọi những kẻ đi theo Chúa với sự tự do và hiểu biết: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Chúa không ép ai, nhưng những ai đã muốn theo Chúa thì chắc chắn phải đáp ứng điều kiện của Chúa: Vác thập giá mình mà theo. Chúa không đòi người môn đệ vác thập giá của Chúa, nhưng là vác thập giá của mình và bước theo Chúa.

Thập giá của mình chính là trách nhiệm, là bổn phận hằng ngày, là cuộc sống của mình. Thập giá ấy có thể là người vợ lắm lời, người chồng bê tha, là những đứa con ngỗ nghịch; thập giá ấy cũng có thể là trách nhiệm làm vợ chồng, làm cha mẹ trong gia đình, là cuộc sống lầm than vất vả, là khó khăn xảy đến, là tai ương bất ngờ… Nói chung, thập giá hằng ngày là tất cả những vui buồn, sướng khổ, thành công hoặc thất bại của cuộc sống hằng ngày. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận thập giá ấy cách tích cực, chứ không phải là thụ động chấp nhận trong bực bội, oán trách. Chúng ta đón nhận thập giá ấy vì mình là môn đệ của Chúa Giêsu, được nên giống như Người. Nhất là Chúa muốn ta vác thập giá ấy đi theo Chúa chứ không đi vào bất cứ một lối nào khác và cũng không đi theo bất cứ một ai khác.

Đối với người không tin Chúa Giêsu và không đón nhận Người, thì việc làm theo những đòi hỏi của Chúa, vác thập giá mình quả là điều vô lý. Nhưng Chúa Giêsu cho thấy việc bằng lòng vác thập giá theo Chúa không hề là việc vô lý, nhưng nó là nghịch lý trước mặt người đời. Vì người đời chỉ lo tìm kiếm công danh sự nghiệp, giàu sang địa vị, sự thoải mái dễ dãi… Còn người môn đệ của Chúa thì tìm tư tưởng, ý muốn của Thiên Chúa và đón nhận nghịch cảnh khó khăn, trái ý thường ngày như thập giá đời mình và bước theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả quyết: Ai muốn cứu mạng sống mình ở đời này thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Là người tin vào Chúa Giêsu và là môn đệ của Người, chúng ta xác tín rằng: Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ nhân loại, Người đã cứu chuộc chúng ta bằng con đường đau khổ và thập giá để đạt tới vinh quang phục sinh. Chúng ta không thể đi con đường khác với con đường của Chúa Giêsu, vì nếu không có Chúa Giêsu đi cùng, ta sẽ bị lạc đường hoặc không thể đạt tới đích phục sinh được.

Mỗi người, dù là lớn hoặc nhỏ, là cha mẹ hay con cái trong gia đình, chúng ta đều có thập giá riêng của đời mình. Thập giá đó là những bổn phận trách nhiệm và khó khăn của cuộc sống. Xin cho mỗi người biết đón nhận trong niềm tin có Chúa ở bên và nâng đỡ. Chúa sẽ biến thập giá cuộc đời thành thánh giá đem lại niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.