Chúa nhật XVI Thường Niên, năm B

Bài đọc 1: Gr 23,1-6
Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

1 Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác -sấm ngôn của Đức Chúa-. 2 Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta : chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa. 3 Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. 4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng ; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa.

5Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa -
Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít
một chồi non chính trực.
Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi
trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh.
6Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Ít-ra-en được sống yên hàn.
Danh hiệu người ta tặng vua ấy
sẽ là : “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta.” Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: Ep 2,13-18
Chính Đức Giê-su là sự bình an của chúng ta. Người đã liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

13 Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.

14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét ; 15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. 16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất ; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. 17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. 18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 6,30-34
Họ như bầy chiên không người chăn dắt.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Đó là lời Chúa.
____________________
THIÊN CHÚA CHĂM LO CHO CON NGƯỜI – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Có nhiều người còn thao thức với Phật giáo đã tỏ ra lo ngại, vì thời gian gần đây đã xảy ra nhiều mâu thuẫn và những việc tai tiếng trong Phật giáo. Các thầy chùa thì đang hết sức mình để thu hút các phật tử qua các đạo tràng và các buổi thuyết pháp. Có những thầy chùa dùng cách giải thích nghiệp báo cách dễ dãi, thô thiển để thu hút phật tử cúng dường; có thầy thì tìm cách khủng bố tinh thần phật tử qua hình thức áp vong, giải vong, dâng sao giải hạn cũng để kiếm tiền; có người chủ trương thuyết pháp mang tính xã hội, chính trị thay vì nói giáo lý nhà phật; có vị lại chủ trương kể chuyện hài, gây cười để thu hút phật tử đến với mình. Cuối cùng, nhiều phật tử không biết phải tin thầy nào và theo thầy nào, không biết đâu là chính đạo, là giáo lý của nhà phật. Nhiều người đã quay lưng lại với lối sống của các thầy sư và phật giáo hiện tại để ủng hộ và đi theo một lối tu và giảng pháp khác của thầy Minh Tuệ. Ông này có một cách tu hoàn toàn khác, với một nếp sống từ bỏ hoàn toàn, ngược lại với sự nguy nga của các chùa chiền hiện nay. Khi ông này đi bộ qua khu vực miền trung, có cả hàng ngàn người đi theo ông, muốn nghe ông và muốn được tận mắt nhìn hoặc cùng bộ hành với ông một đoạn đường.

Ngày xưa thời Chúa Giêsu cũng đã xảy ra tình trạng tương tự trong Do Thái giáo. Mặc dù vẫn tin vào Thiên Chúa duy nhất, nhưng mỗi vị lại giải thích và trình bày cách khác nhau. Vẫn cùng là lề luật Chúa ban cho dân qua ông Môsê trên núi Sinai, nhưng các luật sĩ mỗi người lại tuỳ tiện giải thích luật hoặc thêm bớt theo ý riêng của mình. Đời sống của các thượng tế, luật sĩ và biệt phái chỉ chú tâm tìm kiếm tiền bạc và làm giàu hơn là chăm lo hướng dẫn cho đoàn dân. Khi Đức Giêsu đến, Người đã sống một cuộc sống hoàn toàn từ bỏ, nghèo khó, không có nơi tựa đầu, Người rao giảng Tin Mừng về một Thiên Chúa thương xót và tha thứ qua chính việc làm của Người. Đồng thời, Chúa Giêsu chỉ cho con người biết sống sao để có thể gặp được Thiên Chúa là Cha và được sống hạnh phúc đời đời. Điều này như một giáo lý mới mẻ, như một con đường rõ ràng khiến cho dân Do Thái như đoàn chiên tan tác nay được quy tụ, như người mù loà lạc lối tìm lại được ánh sáng và đường đi.

Tin Mừng Marcô cho thấy, Chúa Giêsu chăm lo quy tụ đoàn dân tản mác bơ vơ, Người cũng quan tâm chăm lo cho các tông đồ là các cộng tác viên của Người. Sau khi các tông đồ được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng, nay các ông trở về kể lại cho Chúa nghe tất cả công việc của mình đã làm và đã giảng dạy. Chúa Giêsu cảm thông với những vất vả mệt nhọc của các tông đồ, Người không yêu cầu gì thêm, nhưng quan tâm đến nhu cầu cần thiết của các ông lúc này. Chúa nói với các ông: Anh em hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Điều này cho thấy sự quan tâm rất tinh tế và thực tế của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của mình. Lúc này, các ông cần nghỉ ngơi sau những ngày mệt nhọc. Tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, là để phục hồi lại năng lượng cho cả thể xác và tâm hồn. Ở nơi thanh vắng, các ông không bị sự quấy rầy của đám đông, các ông có giờ dành cho Chúa và cho nhau, cùng nhìn lại một hành trình các ông vừa trải qua. Ở nơi thanh vắng, các ông có thể dễ dàng gặp Chúa trong cầu nguyện, nhìn sự thành công thất bại trong cái nhìn đức tin, vì có thể các ông đã quá bận rộn với việc phục vụ đám đông đến độ bỏ quên việc bồi bổ tâm hồn của mình. Qua việc mời gọi các ông tìm nơi thanh vắng nghỉ ngơi, cho thấy tình thương và sự quan tâm đặc biệt của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người. Tuy nhiên, khi Thầy trò cùng xuống thuyền tìm nơi thanh vắng, thì đám đông cũng lại đi theo. Họ đi bộ vòng bờ hồ để mong được gặp, được nghe Chúa Giêsu giảng. Khi ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông, thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt, như đoàn dân bơ vơ lạc lối đang sống trong bế tắc. Tin Mừng kể lại: Và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Ở chỗ này, Tin Mừng không nhắc đến các môn đệ; có lẽ, Chúa vẫn để cho các môn đệ được nghỉ ngơi như Chúa đã nói với các ông. Còn Đức Giêsu, với trái tim của Người mục tử, Ngài chạnh lòng trước đoàn dân đang bơ vơ như chiên không người chăn, Người đã quy tụ, giảng dạy và nuôi dưỡng họ bằng lời của Người và chăm sóc họ bằng tình yêu thương, chữa lành. Trước mặt Người là một đoàn dân đông đảo đã bị các thượng tế, luật sĩ bỏ rơi, không chăm lo. Đức Giêsu chính là Đấng họ tin và đặt niềm hy vọng nơi Người. Vì thế, bất chấp những khó khăn, họ vẫn tìm đến với Người để được Người yêu thương, nghe Người hướng dẫn.

Tiên tri Giêrêmia trong bài đọc một đã lên tiếng cảnh cáo các thượng tế và luật sĩ Do Thái là những kẻ được chọn làm mục tử chăm lo cho đoàn dân. Tuy nhiên, họ đã không chu toàn bổn phận, lo tìm kiếm địa vị, tiền bạc. Thiên Chúa đã dùng tiên tri Giêrêmia cảnh cáo họ: Khốn thay các mục tử làm cho chiên ta phải thất lạc và tan tác. Ta sẽ ra tay trừng phạt các ngươi. Ta sẽ quy tụ chúng lại về trên đồng cỏ của chúng. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng. Chúng sẽ không còn hãi hùng kinh khiếp cũng không bị bỏ rơi nữa.

Lời cảnh cáo này không chỉ nhắm đến các vua chúa, tư tế thời Giêrêmia, mà còn rất đúng với các thượng tế và luật sĩ vào thời Chúa Giêsu. Họ là những người được chọn, có trách nhiệm chăm lo đoàn dân, nhưng lại để đoàn dân thiếu đói và bơ vơ như thế. Đức Giêsu chính là vị Mục tử Thiên Chúa sai đến mà Giêrêmia loan báo. Người chạnh thương khi thấy đoàn chiên bơ vơ, khao khát tìm kiếm chân lý. Người không quan tâm đến sự nghỉ ngơi của bản thân, nhưng tiếp tục phục vụ, yêu thương, chăm sóc và chữa lành cho họ cách vô điều kiện. Người còn hiến cả mạng sống mình để cho đoàn chiên được sống dồi dào.

Thánh Phaolô đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng từ nơi Thiên Chúa đến để quy tụ nhân loại, mọi dân mọi nước nên một, như mục tử quy tụ đoàn chiên sau ngày bị tản mác. Thánh Phaolô giải thích điều này cho cộng đoàn Êphêsô: Trước kia anh em là những người lưu lạc xa Chúa, nhưng nay, nhờ máu của Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Cũng theo thánh Phaolô, Đức Kitô là Đấng liên kết, quy tụ muôn dân, Do Thái cũng như dân ngoại để làm nên một đoàn dân duy nhất trong một Thần Khí duy nhất và dẫn đưa mọi người đến cùng Chúa Cha.

Thưa quý OBACE, Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta bơ vơ lạc lối. Qua Giáo Hội, Thiên Chúa mời gọi và quy tụ tất cả mọi người, mọi dân tộc trên thế giới làm nên một Đoàn dân mới của Chúa, được Chúa yêu thương, được mẹ Giáo Hội chăm sóc, phục vụ. Ở trong Giáo Hội của Chúa, đoàn dân cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất, hiệp thông, cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa và cùng nhau lắng nghe Lời Chúa. Thiên Chúa đã dùng Giáo Hội như bàn tay hữu hình của người mẹ chăm lo cho từng tín hữu, tận tình hướng dẫn, bảo ban như người thầy, người cha và cùng với đoàn dân của Chúa, Giáo Hội đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã dạy, đó là con đường Tin Mừng, con đường từ bỏ, hy sinh, con đường thập giá, để đạt được vinh quang phục sinh và hạnh phúc đời đời.

Sống trong Giáo Hội, ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe lời hướng dẫn của Giáo Hội, cùng nhau xây dựng, mở rộng Giáo Hội. Chúa Giêsu không muốn để bất cứ ai phải cô đơn lạc lối, không được chăm sóc. Người đã dùng các bậc cha mẹ để yêu thương quy tụ đoàn dân nhỏ trong gia đình, chăm sóc, hướng dẫn, chỉ bảo cho con cái con đường thánh thiện, đưa con cái đến đồng cỏ Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, Thánh lễ mỗi ngày. Thiên Chúa cũng muốn dùng và cậy nhờ đôi bàn tay của cha mẹ để nuôi dưỡng và dùng trái tim để yêu thương các thành viên trong gia đình, không để cho bất cứ thành viên nào bị lạc lõng, cô đơn, bơ vơ trong gia đình mình.

Chúa cũng muốn cậy nhờ từng người Kitô hữu, để dẫn đưa các anh chị em còn xa Chúa, chưa biết Chúa quay trở về với con đường của Tin Mừng, giúp họ gia nhập vào đoàn dân là Giáo Hội. Chúng ta sẽ thực hiện việc này bằng sự quan tâm, bằng tình yêu thương và phục vụ chân thành dành cho các anh chị em chung quanh. Trong xã hội đầy sự gian dối lừa đảo ngày nay, mỗi người tín hữu phải thực sự trở thành những con người đáng tin qua lời nói, và việc làm của mình, xứng danh là người Kitô hữu.

Xin Chúa biến ta thành những cộng tác viên nhiệt thành của Chúa, thành cánh tay nối dài để đem tình yêu thương, sự chăm sóc của Chúa đến cho những người chung quanh. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.