Chúa nhật XIV Thường Niên, năm B

Bài đọc 1: Ed,2-5
Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

2 Bấy giờ, thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Đức Chúa phán với tôi, và làm cho chân tôi đứng vững ; tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi. 3 Người phán với tôi : “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta ; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay. 4 Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng : ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này.’ 5 Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: 2Cr 12,7-10
Tôi tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

7 Thưa anh em, để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. 8 Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. 9 Nhưng Người quả quyết với tôi : “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. 10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 6,1-6
Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Khi ấy, Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói : “Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ? 3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao ? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó ; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6 Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy. Đó là lời Chúa.
____________________
ĐÓN NHẬN NGÔN SỨ CỦA CHÚA SAI ĐẾN – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE! Vào thế kỷ 13, trong Giáo Hội có một vị là thánh Phanxicô Assisi được biết đến như một ngôn sứ của thời đại qua đời sống nghèo khó và triệt để thực thi Tin Mừng. Ngài sống trong Giáo Hội lúc bấy giờ có đầy gương xấu, chạy theo sự giàu sang; đời sống của giáo sĩ, giáo dân sa sút, nhất là nhiều vị lãnh đạo Giáo Hội không xây dựng đời sống đức tin cho người tín hữu, mà chỉ chạy theo quyền lực thế gian và lo làm giàu. Phanxicô là một chàng thanh niên thuộc gia đình quý tộc giàu có, buôn bán gấm vóc. Anh là người quản lý một gia sản khổng lồ và điều hành việc buôn bán của gia đình. Tuy nhiên, nhận ra lời mời gọi của Chúa: Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng...Các con đừng mang theo tiền bạc, bao bị, gậy guộc,...(Mt: 10,10), anh đã bỏ lại tất cả để sống một cuộc đời nghèo khó. Anh bán hết tài sản phần của anh, đem cho người nghèo, trả lại cho gia đình tất cả mọi sự và chọn cuộc sống nghèo khó, lang thang, xin ăn. Phanxicô đã quy tụ được một số anh em đồng chí hướng sống cầu nguyện, khất thực và thu lượm vật liệu về tái thiết những căn nhà thờ bị bỏ hoang ở trong vùng. Cuộc sống của Phanxicô và các anh em đã khiến cho Giáo Hội bừng tỉnh để trở về sống đúng với Tin Mừng và sứ mạng của mình, đó là: sống nghèo khó và từ bỏ để làm môn đệ Chúa Giêsu. Có thể nói rằng: Thánh Phanxicô và anh em của ngài đã sống vai trò ngôn sứ, góp phần canh tân đời sống đức tin của Giáo Hội qua sự nghèo khó, buông bỏ và tín thác vào Chúa.

Thực ra, việc chọn lối sống ngược lại lẽ thường như thế không phải là điều dễ và cũng không dễ để người chung quanh chấp nhận. Tuy nhiên, cho dù có khó khăn, khổ sở, bị người đời nhìn bằng ánh mắt nghi kỵ, Phanxicô và các anh em của ngài vẫn kiên trì sống sứ mạng ngôn sứ của mình, đó là: làm chứng về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người qua cuộc sống buông bỏ, khó nghèo.

Cách đây hơn hai ngàn năm, cũng có một chàng thanh niên đã bỏ gia đình, công việc, cuộc sống yên ổn để bước vào một hành trình nay đây mai đó, buông bỏ, siêu thoát khỏi những thói đời để miệt mài rao truyền Tin Mừng tình thương; kêu gọi mọi người sống nghèo khó và tin vào Tin Mừng. Chàng thanh niên ấy chính là Đức Giêsu. Cũng mang cùng số phận của các ngôn sứ trong Cựu Ước, Đức Giêsu đã không được những người đồng hương và người thân đón nhận. Khi thấy Chúa miệt mài rao giảng đến quên ăn, quên ngủ, những người thân của Chúa cho rằng Người bị khùng và họ còn tìm cách bắt Người về.

Tin Mừng hôm nay cho thấy, khi Người trở về quê Nazareth, những người đồng hương không muốn đón tiếp Người. Họ coi thường, nói những lời xúc phạm và khinh rẻ vì gốc gác gia đình của Người. Họ không tin rằng, một người con của ông Giuse thợ mộc, lại có thể giỏi giang như vậy; họ không tin rằng chàng Giêsu vẫn từng sống và làm việc trong làng với họ nay lại có thể nói và giảng dạy cách thông thái như các ngôn sứ. Họ bàn tán với nhau: Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta không phải là anh thợ mộc con bà Maria sao? Và họ vấp phạm vì Người. Trước khi về Nazareth, Chúa đã đi rao giảng khắp các vùng lân cận, đã có nhiều người tin và đi theo Chúa, còn những người đồng hương và người thân lại từ chối Chúa. Những người Nazareth này đã không dễ dàng đón nhận một nếp sống mới mà Đức Giêsu rao giảng. Vì họ muốn sống theo cách riêng của mình, sống theo trào lưu, khuynh hướng của xã hội, chứ không theo lối sống mà Chúa mời gọi. Hơn nữa, những người Nazareth này đã để trong mình cái nhìn thành kiến, thái độ cố chấp, không muốn từ bỏ, không dám sống nghèo và vì thế họ không chấp nhận Đức Giêsu và không tin vào Người.

Các ngôn sứ của Cựu Ước được Chúa kêu gọi và sai đến với Israel, có những khi để kêu gọi mọi người quay trở lại với giao ước, với đường lối của Thiên Chúa; có khi cảnh cáo và răn đe về những tội lỗi và thói xấu sai lạc mà họ đang dấn bước vào; cũng có nhiều khi các ngôn sứ xuất hiện để nâng đỡ đời sống đức tin cho dân Chúa khi bị thử thách và khơi lên trong dân niềm hy vọng vào lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, các ngôn sứ đã không được người Do Thái đón nhận. Có người bị nhục mạ, xua đuổi, có người bị họ giết chết. Nhưng Thiên Chúa vẫn hết sức kiên nhẫn, hết lần này đến lần khác, Ngài sai các ngôn sứ đến để giúp dân sống đúng với giới răn lề luật của Thiên Chúa. Sau cùng, Thiên Chúa đã sai chính Con Một của Ngài đến với nhân loại như thư Do Thái đã viết: Thuở xưa nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông...qua Người Con. Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa và nói về Chúa Cha cho mọi người. Tuy nhiên, người Do Thái vẫn để lòng mình chai đá, khô cứng, từ chối lời giảng dạy của Con Thiên Chúa, nhạo báng Người và cuối cùng họ loại trừ Người bằng cái chết thập giá.

Tiên tri Êzekiel là một trong các vị ngôn sứ chịu nhiều đau khổ khi thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao. Trước sự chống đối cứng lòng của người đồng hương, vị tiên tri đã không thất vọng, không bỏ cuộc, ông tin rằng ông làm việc của Chúa, thì có Chúa luôn ở bên ông: Bấy giờ Thần khí đã nhập vào tôi và làm cho chân tôi đứng vững. Ngài phán với tôi: Chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, một dân phản nghịch chống lại Ta, một đám dân lòng chai dạ đá. Êzekiel đã luôn ý thức được: chính ông đã được Thiên Chúa chọn và sai đến với Israel. Cho dù họ có nghe hay không nghe, có đón nhận hay từ chối, ông vẫn nói lời của Thiên Chúa. Và, cho dù chúng từ chối không nghe, thì chính sự hiện diện và đời sống của vị ngôn sứ cũng đã là bài giảng cho họ: Chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.

Thánh Phaolô cũng đã từng cảm nghiệm về thân phận ngôn sứ mà ông đã lãnh nhận. Ông đã bị người Do Thái loại trừ, đánh đòn và hành hạ, chỉ vì ông đã nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và kêu gọi mọi người trở lại sống theo đòi hỏi của Tin Mừng. Có những khi ông cũng rất đau khổ như bị cái gai đâm vào thân xác, ông muốn xin Thiên Chúa cho ông vứt bỏ được đau khổ, nhục nhã, thất bại đó, nhưng Thiên Chúa đã khuyến khích ông: Ơn Ta đủ cho con.

Thưa quý OBACE, mỗi người chúng ta được tham dự vào chức năng ngôn sứ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phải thi hành sứ mệnh này cách kiên trì trong mỗi ngày sống của mình, nơi gia đình, nơi chúng ta làm việc. Cho dù thuận lợi hay khó khăn, cho dù người ta nghe hay từ chối, chúng ta cũng không thể ngừng nghỉ vai trò ngôn sứ của mình được.

Là ngôn sứ trong gia đình, chúng ta không thể im lặng đồng loã với cái xấu, với sự gian dối trong gia đình, nhưng phải lên tiếng nhắc nhở cho chồng, cho vợ và con cái mỗi khi ta thấy gia đình xa lìa giới răn lề luật của Thiên Chúa. Để điều chỉnh lại những sai lạc của gia đình và người thân, trước hết ta phải hiện diện trong gia đình như một ngôn sứ của Chúa, tức là ý thức mình được Chúa chọn và sai đến với gia đình, để sống, để yêu thương và phục vụ. Do đó, cách tốt nhất để cha mẹ thi hành vai trò ngôn sứ là qua đời sống gương sáng của mình, uốn nắn lại đời sống cá nhân của mình trước và làm nhiều gương sáng cho con cháu trong đời sống đức tin.

Các bạn trẻ cũng sẽ phải thi hành sứ vụ ngôn sứ trong tuổi trẻ của mình qua cách sống, cách cư xử giao tiếp của mỗi người. Chúng ta có bổn phận lôi kéo và đưa nhiều bạn khác quay trở lại đúng với những gì Tin Mừng đòi hỏi. Dĩ nhiên, bên cạnh việc dùng tình bạn để khuyên bảo, nhắc nhở các bạn của mình sống tốt, thì chính mỗi người trẻ cũng phải thể hiện vai trò ngôn sứ bằng gương sáng đời sống đức tin của người trẻ Công Giáo. Chúng ta sẽ phải sống ngay thẳng, lương thiện, dễ thương, dễ mến và trở nên đáng tin trong mắt mọi người, để mọi người khi tiếp xúc với bạn trẻ Công Giáo họ nhận ra Thiên Chúa nơi các bạn ấy. Các bạn được mời gọi trở nên ngôn sứ trên trang mạng của mình như tân chân phước Carlô Acutis

Trong đời sống hằng ngày, Chúa cũng sai nhiều ngôn sứ đến với chúng ta, để khích lệ, nhắc nhở, để hướng dẫn và cảnh cáo khi chúng ta cố tình sai lạc. Các ngôn sứ ấy có thể là cha mẹ, là các thừa tác viên của Giáo Hội; các ngôn sứ được Chúa sai đến để nhắc bảo chúng ta, có khi là những người bạn, người đồng nghiệp và có thể Chúa dùng bất cứ một ai đó, một sự kiện gì đó, như dấu chỉ sự hiện diện và nhắc bảo của Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn nhận ra lời nhắc nhở của Chúa qua những người chung quanh và đón nhận lời nhắc nhở ấy trong sự khiêm tốn như chính Chúa nói với chúng ta; đồng thời xin cho chúng ta không mệt mỏi khi thi hành sứ vụ ngôn sứ trong đời sống, trong gia đình và bất cứ nơi đâu chúng ta hiện diện. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.