Ngày 13/6 – Thánh Antôn Pađôva

THÁNH ANTÔN PAĐÔVA (1195 - 1231)
LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH
Bài đọc 1: Is 61,1-3a
Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

1Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,
2công bố một năm hồng ân của Đức Chúa,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta ;
Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,
3atặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on
tấm khăn đại lễ thay tro bụi,
dầu thơm hoan lạc thay tang chế,
áo ngày hội thay tâm thần sầu não. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Lc 10,1-9
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : ‘Bình an cho nhà này !’ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’.” Đó là lời Chúa.
______________________
CUỘC ĐỜI LẠ LÙNG CỦA THÁNH ANTÔN PAĐÔVA

Lời soạn giả

Về thánh Vinh sơn, đã có cuốn “Thánh Vinh sơn hay làm phép lạ”, xuất bản năm 1970. Về Thánh Antôn, lâu nay ít thấy có cuốn nào lưu hành. Vì thế chúng tôi mạo muội biên soạn tập sách này, dựa theo cuốn truyện “Ông Thánh Antôn” của cố Phêrô Maria Lương, bằng chữ nôm, ấn hành năm 1910 tại Hà Nội. 

Sách này gồm 3 phần: 
1. Cuộc đời lạ lùng của thánh nhân 
2. Lòng sùng kính và mộ mến với thánh nhân. 
3. Các bài hát về thánh Antôn và thánh Phanxicô 

Thời Trung cổ, ở Châu âu, người ta chú trọng đến nhiều mặt thần kỳ hơn là điều bình dị. Trong truyện các thánh, nhất là những đấng hay làm phép lạ quá nhiều, và nói nhiều về đời sống nhân đức của các ngài. Đó cũng là trường hợp thánh Antôn thành Padua. Câu chuyện thường rườm rà, nhiều chi tiết, mà thiếu sự nhất quán.

Nay chúng tôi soạn lại cho ngắn gọn, súc tích, dễ đọc hơn: rút bớt những điều nói đi nói lại. Mỗi loại phép lạ chỉ tóm lại hai tích điển hình. Mong rằng cuốn sách nhỏ này làm cho nhiều giáo hữu hiểu biết và sùng kính thánh ntôn nhiều hơn, hầu được ơn phù trợ của Người nhiều hơn nữa.

PHẦN THỨ NHẤT 
CUỘC ĐỜI LẠ LÙNG CỦA THÁNH ANTÔN

CHƯƠNG I: THỜI THƠ ẤU

Antôn sinh vào tháng 8 năm 1195 tại Lisbon, kinh đô nước Bồ đào Nha. Cha là Matinô, mẹ là Têrêsa. Hai ông bà thuộc hàng quý tộc, đầy lòng mộ đạo và kính mến Đức Mẹ cách riêng. Khi Antôn vừa bập bẹ, mẹ đã dạy cho cậu kêu cầu thánh danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cùng dạy cho một kinh Đức Mẹ mà Antôn hằng nhớ trọn đời.

Từ tấm bé, Antôn đã tỏ ra hiền lành, không thường chạy chơi với trẻ lân cận, cậu chỉ ở nhà với mẹ hoặc theo mẹ đi nhà thờ. Khi quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ thì cậu cũng chắp tay, quỳ gối, chăm chú như người lớn vậy. Khi vừa đến tuổi khôn lớn, thì Antôn theo ơn Chúa Thánh Thần, đã khấn giữ mình trinh khiết trọn đời theo gương Đức Mẹ. Vì lòng bác ái nên cậu rất vui sướng khi được cha mẹ giao tiền, giúp người nghèo.

Antôn được 10 tuổi thì cha mẹ Ngài gửi học trong nhà cha sở gần đó, ở chung cùng với một số thiếu nhi khác, nhưng Antôn trổi hơn các bạn về học hành, nết na và đạo đức. Nhất là cậu mộ mến việc phụng vụ, cậu giúp lễ, xông hương nghiêm trang, sốt sắng như thiên thần vậy. Vì thế, cậu được thầy thương bạn mến.

Ma quỷ thấy vậy thì căm tức, toan hãm hại cậu. Một hôm, cậu đang cầu nguyện trên bậc đá bàn thờ Đức Mẹ như thường lệ, bỗng quỷ lấy hình gớm ghê nhẩy lên vai toan bóp cổ, Antôn muốn kêu danh thánh: Giêsu Maria mà không kêu được, cậu liền lấy ngón tay vẽ dấu Thánh giá vào bậc đá. Quỷ thấy vậy thì rút lui. Lạ lùng thay là dấu Thánh giá ấy ăn sâu vào đá, đến nay vẫn còn. Và khách hành hương hằng năm đua nhau đến tôn kính.

CHƯƠNG II: ANTÔN VÀO DÒNG VÀ LÀM LINH MỤC

Năm 15 tuổi, Antôn tỏ ý muốn dâng mình vào một tu hội, để tận tình phụng sự Chúa. Cha mẹ, bà con, bạn hữu đều ngăn cản vì cậu là trưởng nam, cần ở đời để nối dõi tông đường. Kẻ thì khuyên là hãy giãn ra một thời gian để biết rõ thánh ý Chúa hơn, kẻ thì chê cười là dại dột, bỏ tiền tài danh vọng mà theo đường khác khổ vô danh. Nhưng Antôn coi phú quý vinh hoa như phân bón và cậu quyết chí chọn phần là dâng mình phụng thờ Chúa trọn đời.

Và thế là một sớm kia, Antôn trốn nhà đến tu viện Augustin gần đó, xin vào tu. Bề trên xem danh tính Người thì sẵn lòng tiếp nhận. Biết vậy, Antôn vui sướng dường nào! Chẳng bao lâu thầy đã quen nếp sống nhà dòng và trở nên khiêm nhường, phục tòng, chăm chỉ chẳng kém gì các thầy kỳ cựu khác.

Thầy có trí thông minh phi thường, hiểu thấu những lẽ cao siêu, nhớ dai những điều đã học chỉ một lần. Thầy chăm học lắm. Dù đêm, dù ngày, thầy không rời sách vở. Tuy nhiên, thầy lấy việc đi đàng nhân đức làm trọng hơn, để tập đức khiêm nhường, lấy việc hèn như làm bếp, quét nhà...thầy đều tranh làm hết. Vì lòng bác ái, thầy xin được chăm sóc anh em bênh tật. Có lần Chúa cho thầy lấy áo của thầy khoác áo cho bệnh nhân thì người ấy liền khỏi.

Năm thầy hai mươi lăm tuổi, nghĩa là gần mười năm tu trì, thầy đã vâng lời bề trên mà thụ phong linh mục. Đang sống trong dòng thánh Augustin, thì xẩy ra vài biến cố làm cho thầy Antôn muốn thay đổi dòng tu. Số là tu viện Augustin có thông lệ bố thí tiền, gạo cho người đến xin mỗi tuần một lần vào ngày thứ tư. Một hôm thầy Antôn thấy hai tu sĩ Phan sinh mặc áo vải thô, sắc mặt vàng võ, lưng đeo bị đến ăn xin thì thầy Antôn động lòng tôn kính mến các thầy ấy lắm, mà cho là kẻ có phước, vì đã bắt chước đức khó nghèo của Chúa Giêsu cách trọn vẹn.

Cũng độ ấy, có cuộc rước xác năm vị thánh tử đạo, đều là thánh tu sĩ Phan sinh từ Bắc Phi về nước Bồ đào Nha. Cuộc khải hoàn ấy thật linh đình và trang trọng, nhất là có nhiều kẻ ốm đau, bệnh tật lâu dài, đều nhờ ơn các đấng ấy mà làm cho lành. Sự kiện nay làm cho thầy Antôn càng trọng mến dòng Phan sinh và ước ao được gia nhập dòng ấy để truyền giáo và được phúc tử đạo.

Nhưng nghĩ lại, bỏ dòng Augustin đã đào tạo nên mình thì mang tiếng là vô ơn, nên thầy Antôn ra sức đuổi ý tưởng ấy đi. Song càng xua đuổi thì nó lại càng trở lại mạnh hơn. 
Người lo lắng ngày đêm xin Chúa soi sáng cho biết thánh ý Chúa. Một hôm trong lúc Người đang quỳ cầu nguyện trước tượng chuộc tội, bỗng thấy thánh Phanxicô Khó Khăn, gương mặt sáng láng hiện đến bảo rằng: “Hỡi Antôn, đừng sợ hãi lo lắng nữa, Chúa sai cha đến báo cho con biết thánh ý Ngài muốn con vào dòng mà Ngài đã truyền cho cha lập. Cha sẽ làm cha con và con sẽ làm con cha”.

Thánh Phanxicô biến đi rồi, thì thầy Antôn mừng rỡ hết sức và quyết định theo ơn thiên triệu mới. Ngày hôm sau là ngày mùng 1 tháng 4, thầy Antôn từ tạ Bề trên và nhà dòng mà sang tu viện Phan sinh gần đó, thầy liền được thâu nhận rồi mặc áo dòng và đổi tên là ANTÔN, vì trước đó tên người là Phê-đi-năng. 

CHƯƠNG III: SỰ CHUẨN BỊ CHO MỘT SỨ MẠNG TÔNG ĐỒ

Mới vào dòng Phan sinh được mấy tháng, thầy Antôn đã tình nguyện đi truyền giáo ở Bắc Phi, hầu thực hiện lý tưởng của mình. Bạn đồng hành là thầy Philipphê. Nhưng vừa đến nơi thì thầy Antôn ngã bệnh, nằm liệt 4 tháng trời, chẳng hoạt động chi được nữa. Khi loan baó, Bề trên dạy đưa thầy về chữa trị trong một tu viện ở Bồ Đào Nha. Trên đường đi, gặp bão to gió lớn, nên tàu dạt vào Sicilia nước Ý. Và từ đó, thầy Antôn không về đến quê hương được nữa.

Trên đảo này có dòng Phan sinh mới thành lập; còn thiếu thốn nhiều điều, nhất là nước uống. Đã đào nhiều nơi trong vườn mà vẫn không thấy có nước, thấy vậy thầy Antôn liền cầu nguyện một lúc rồi chỉ một địa điểm trong vườn, tức thì gặp được mạch nước ngọt rất trong. Giếng ấy nay vẫn còn và người ta gọi là giếng thánh Antôn. Cũng còn một quả chuông gọi là chuông thánh Antôn do Người lưu lại: hễ gặp phong ba sấm sét xuất hiện thì thỉnh lên để cầu bình an.

Ở đó dưỡng bệnh được hơn một tháng thầy Antôn cùng với thầy Philipphê đi Átxidi, cách đó xa khoảng mười ngày đàng đi bộ, để dự Tu nghị toàn Dòng, dưới quyền chủ tọa của Đấng sáng lập các bậc đàn anh trong dòng. Nhưng khi bế mạc, bề trên không cắt cử thầy Antôn công tác nào cả, vì thấy Người còn quá yếu. Đang khi, thầy còn đang bơ vơ, thì thầy Casianô, Bề trên Dòng tại xứ Phêlixia gặp thầy Antôn hỏi:

- Thầy đã có bài sai chưa?
- Thưa cha, chưa! Thầy Antôn đáp lại.
- Thầy đã chịu chức linh mục chưa?
- Thưa cha, đã chịu chức Linh Mục rồi.
- Thế thầy có muốn đi với tôi chăng? 
- Thánh ý Đức Chúa Trời muốn cho con đi đâu thì con đi đó.
- Vậy thầy hãy đi với tôi.

Thầy Antôn liền đi theo Bề trên Casianô về tu viện xứ Phêlixia. Bề trên dạy Người rửa chén bát, quét nhà, dọn phòng cho các thầy, Người vui mừng lắm. Sau đó, được bề trên chấp thuận, Người lên hang núi cao mà ăn chay cầu nguyện trong vòng chín tháng, như các thánh tu rừng xưa. Đó là phương cách Chúa dùng để chuẩn bị cho Người rao giảng lời Chúa sau này.

CHƯƠNG IV: NHÀ GIẢNG THUYẾT LỪNG DANH

Trong truyện các vĩ nhân, ta thường thấy rằng: xuyên qua một sự việc bất ngờ mà thiên hạ nhận ra thiên tài của các vị ấy, trường hợp của Thánh Antôn cũng vậy. Năm ấy, Đức Giám mục thành Phôli truyền chức linh mục cho nhiều tu sĩ của hai dòng Đaminh và Phan sinh, các bề trên đều đến dự lễ, trong số đó có bề trên Casianô mà thầy Antôn tháp tùng.

Trong lễ truyền chức, Đức Giám mục vốn quen giảng một bài trọng thể. Nhưng hôm ấy, Ngài mệt nên nên không thể giảng được, và có lời mời nhờ các bề trên trong dòng giảng thay. Các vị này đều xin kiếu, vì chưa chuẩn bị soạn kỹ nội dung bài giảng.

Bấy giờ, Bề trên Casianô cho gọi thầy Antôn và truyền cho thầy phải giảng, thầy Antôn vì khiêm tốn không dám nhận nhiệm vụ này, vì từ thưở vào dòng, thầy chưa giảng bao giờ. Nhưng vì vâng lời bề trên, thầy lên toà giảng ngay.

Thấy Người đứng trên toà giảng, các tu sĩ đều ái ngại cho thầy. Một kẻ chỉ quen quét nhà, dọn rác, rửa bát mà dám lên giảng dạy ư?. Nhưng khi thầy Antôn giảng thao thao bất tuyệt về đề tài “Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết vì lòng thương chúng ta” thì mọi người mới rất đỗi ngạc nhiên trước tài hùng biện của thầy Antôn, thầy đưa ra những lý mạnh, lẽ cao, dẫn chứng lời Thánh Kinh, lời giáo phụ một cách mạch lạc, chính xác như thể là một bậc thầy chuyên về giảng thuyết xưa nay vậy. Giọng thầy thì âm vang, lời thầy thì sốt sắng thấu tận lòng người nghe. Từ Đức Giám mục cho đến toàn thể cử toạ đều cảm kích, xúc động và thốt lên rằng: thật từ xưa đến nay chưa được nghe đấng nào giảng hay và thấm thía đến như thế!

Dòng Phansinh vui mừng có một nhà hùng biện sẽ làm sáng danh Chúa. Bề trên Casianô liền ban bài sai cho phép thầy được đi giảng khắp miền lân cận. Đồng thời, Người cũng loan báo cho thánh Phanxicô biết nữa.

Thánh phụ mừng lắm, ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa: “Chúa đã ban cho chúng con một người xuất sắc”. Rồi người truyền cho thầy Antôn phải dạy thần học cho các tu sĩ trong dòng. Người vâng lời dạy thần học trong các tu viện Phan sinh thuộc nước Ý và nước Pháp công việc rất thành công.

Nhưng Thiên Chúa muốn chọn thầy làm đèn sáng cho thiên hạ, nên chẳng bao lâu, thánh Tổ phụ truyền cho thầy giảng cho kẻ tội lỗi, người rối đạo, hối cải ăn năn tại các nước Ý và nước Pháp. Với sứ vụ tông đồ ấy, thầy đã hoàn thành với vô vàn hiệu quả thiêng liêng, trong vòng 10 năm từ khi thầy mới 25 tuổi cho đến khi thầy qua đời.

Bấy lâu trước đây, thiên hạ chưa từng thấy có đấng nào giảng dạy sốt sắng và làm nhiều phép lạ cho bằng (có lẽ chỉ có thánh Vinh sơn, hai thế kỉ sau mới sánh kịp). Danh tiếng thầy Antôn vang dồn khắp mọi nơi, ai ai cũng háo hức muốn thấy tận mặt, nhìn tận mắt, nghe tận nơi. Khi được tin thầy đi đến đâu, với người nông dân thôn dã thì bỏ cả vụ mùa, công việc đồng áng, người ở thành thị thì dù đang bán buôn, cũng đóng hết cửa hàng...đều tuốn đến để nghe thầy giảng dạy, có kẻ đi suốt đêm mà đến. Số thính giả từ một vạn đến ba bốn vạn người, thầy giảng dạy ngoài trời, ở công viên, giữa phố xá, chợ búa và có khi ngay cả ngoài đồng.

Ngoài tài hùng biện tự nhiên, dường như thầy còn có sự hấp dẫn siêu nhiên nữa. Khi thầy đứng giảng, thì người ta tưởng như nghe một vị thiên thần đang nói với mình. Lý lẽ mạnh, cung giọng thiết tha, trầm ấm, truyền cảm của thầy làm cho nhiều kẻ lòng chai dạ đá cũng phải mềm ra,. Đã biết bao kẻ tội lỗi ăn năn trở về đàng ngay, bao kẻ rối đạo được ơn trở lại, bao kẻ thù địch được thuận hoà êm ấm, người bất hạnh được được trả ơn, trả của…Chúa cũng cho thầy làm phép lạ nhãn tiền để khuất phục kẻ chai lòng cứng dạ.

Trải qua mười lăm năm lưu thuyết, khắp các vùng hai nước Ý và Pháp, thầy Antôn cùng với lời giảng, đã làm vô vàn phép lạ đến nỗi người đương thời gọi thầy là “Ông Thánh hay làm phép lạ!”

CHƯƠNG V: NHỮNG KẾT QUẢ CỦA LỜI GIẢNG

Lời giảng nảy lửa của thánh Antôn có phép lạ Chúa đi kèm, nên làm cho nhiều kẻ bỏ đạo, được ăn năn, người lạc đạo trở lại đường ngay. 

1. Cá về nghe giảng.

Tại thành Điminô, nước Ý, có nhiều kẻ lạc đạo, nhưng không muốn đi nghe thầy Antôn giảng, sợ kẻo phải trở lại chăng. Một hôm, do ơn Chúa thúc giục, thầy ra bờ biển gọi các cá đến nghe giảng, cá kéo đến rất nhiều nhưng lớp lang thứ tự, nhỏ trước lớn sau. Ngóc đầu lên khỏi mặt nước, chúng đều hướng về thầy Antôn, người liền bảo cá rằng: “Hỡi loài cá mú! Hãy tạ ơn ngợi khen Thiên Chúa. Vì Ngài đã tạo dựng nên bay: đã ban biển cả mênh mông cho bay bơi lội, đã khoét hang hóc an toàn cho bay ẩn mình lúc phong ba bão táp. Đại hồng thuỷ đã tiêu diệt loài người, loài vật, nhưng Chúa vẫn bảo tồn bay, cho bay được sống, được sinh sản thêm nhiều và ban lương thực hàng ngày cho bay. Vì thế hỡi loài cá mú! Bay phải tạ ơn Thiên Chúa chẳng cùng ”.

Khi được tin cá đến nghe thầy Antôn giảng, thì dân thành nô nức kéo ra. Họ thấy khi thầy Antôn giảng, cá cất đầu, hà hơi, vẫy đuôi tỏ ý vui sướng, tán thành. Sau khi ban phép lành và cho cá giải tán, thầy Antôn quay lại bảo kẻ rối đạo rằng: “Anh xem đó! Cá là loài vô tri mà còn biết nghe lời Thiên Chúa; mà anh em là loại hữu tri, đã được cứu chuộc bằng giá máu Chúa Giêsu, mà chẳng muốn nghe lời Thiên Chúa, chẳng muốn phụng sự kính mến Ngài hay sao?”. Từ đó về sau, kẻ rối đạo siêng năng đến nghe lời thầy Antôn giảng, và có nhiều người quy hồi chính đạo. 

2. Thuốc độc hại.

Cũng tại thành Điminô, có kẻ rối đạo muốn sát hại thầy Antôn cho bõ ghét, nó mời thầy đến dùng bữa và nó bỏ thuốc độc vào. Vốn không quen đi ăn tại nhà ai: nhưng lần này thầy nhận lời và muốn có dịp mà khuyên răn gia chủ. Nhưng khi mới ngồi bàn ăn thì Chúa soi sáng cho Người biết mưu sâu chước độc của nó.

Người khiển trách nó rằng: “Anh làm thế không tốt đâu! Hoặc giả anh nghĩ: tôi chết đi thì không còn có ai giảng đạo nữa chăng?” thấy mưu sâu mình bị lộ, anh chủ nhà chữa thẹn rằng: “Tôi không dụng tâm giết thầy nhưng có ý thử xem lời Kinh Thánh nói rằng: “kẻ tin Ta dù có uống thuốc độc cũng không hại gì” có thật vậy hay là không thôi. Nếu thầy ăn của độc này mà vô sự thì tôi sẽ tin theo đạo thầy”. Thầy Antôn liền làm dấu thánh giá trên thực phẩm rồi ăn ngay, mà bằng an vô sự. Kẻ rối đạo thấy vậy thì trở lại thật. 

3. Ngựa đói chê cỏ.

Tại thành Tulu, nước Pháp, thầy Antôn tranh luận với nhóm rối đạo về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể. Sau khi nghe thầy trình bày những luận cứ vững vàng, thì một người rối đạo nói: 
- “Đã hay lời Chúa Giêsu thì rõ ràng lắm, song nếu con mắt tôi không tỏ tường, thì tôi không tin”. 
Thầy Antôn liền hỏi: 
- Vậy anh muốn tôi làm phép lạ nào? 
- Tôi có một con ngựa. Ngày thứ bốn tôi sẽ dắt ra đây cùng một bó bỏ non. Còn thầy, thầy sẽ đưa Thánh Thể ra trước mặt nó. Nếu nó bỏ cỏ không ăn mà quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin có Chúa Giêsu ngự thật trong đó.

Thầy Antôn nhận cuộc, rồi quay về tu viện ăn chay, cầu nguyện ba ngày ba đêm. Đến ngày hẹn, từ sáng sớm, dân chúng đã tuôn đến đầy chợ. Ông chủ dắt ngựa đi trước, đầy tớ đội cỏ theo sau. Đồng thời, thầy Antôn cũng kiệu Mình Thánh Chúa đến và nói lớn: “Hỡi con vật vô tri, nhân danh Chúa Giêsu đã dựng nên mi, và đang ngự trước mặt mi, ta truyền cho mi phải quỳ gối thờ lạy Chúa, để thiên hạ biết rằng vạn vật trên trời, dưới đất phải thờ lạy Ngài”.

Đang khi thầy nói, thì đầy tớ vâng lời chủ vội đem sọt cỏ đặt ngay trước mõm ngựa, nhưng nó chẳng thèm để ý tới: chỉ vội vàng quỳ hai chân trước xuống thờ lạy Chúa; dù tên đầy tớ ra sức ấn cỏ vào mồm, nhưng ngựa vẫn không thèm ăn, cứ quỳ yên cho đến khi thầy Antôn kiệu Mình Thánh Chúa về mới đứng lên ăn. Phần người rối đạo nói trên cùng cả dòng họ thì đã trở lại đạo thật và sống đạo nên gương. Ông lại còn bỏ tiền của xây một đền thờ tôn kính thánh Phêrô tại thành Tulu, đến nay hãy còn. 

CHƯƠNG VI: CHÚA YÊU, QUỶ SỢ

Có những sự kiện tỏ ra thầy Antôn được Thiên Chúa thương yêu chừng nào thì ma quỷ ghen ghét chừng ấy.

1. Chúa Hài đồng hiện ra.

Trong khi lưu thuyết trên nước Pháp; một hôm thầy trọ đêm trong phòng vắng vẻ của một nhà kia. Bỗng nửa đêm phòng thầy sáng rực. Chủ nhà mon men tới xem thì thầy Người đang ngất trí cầu nguyện và Chúa Hài đồng hiện đến ngự trị trên cánh tay Người vẻ đơn sơ, âu yếm để cho Người ẵm bồng và hôn kính.

Rồi chủ nhà nhẹ nhàng rút lui, tưởng thánh nhân không biết. Chẳng dè, sáng hôm sau, trước khi ra đi, Người dặn chủ nhà không được tiết lộ việc ấy ra. Vâng theo lời dặn, ông ấy giữ kỹ điều bí mật. Đến khi thánh nhân qua đời rồi, ông mới tỏ ra vinh danh của ông thánh, vì Người đã được Chúa Giêsu yêu mến như vậy. Do tích này mà tượng thánh Antôn thường có bồng Chúa Hài đồng trên tay.

2. Quỷ quấy phá thánh nhân.

Thầy Antôn làm sáng danh Thiên Chúa và cứu vớt nhiều linh hồn, nên quỷ giận ghét Người lắm. Chẳng những nó cố sức ngăn cản công việc của Người mà có toan giết, hãm hại Người nữa. Một hôm, người vừa ngả mình được một lát, quỷ liền xông vào bóp cổ Người, chặt đến nỗi, nếu như không được Đức Mẹ cứu kịp thời, thì Người đã tắt thở. Nhưng Người mau mắn làm dấu Thánh Giá trên mình và đọc thầm trong trí Kinh Đức Mẹ mà Người vốn thuộc từ bé, thì quỷ buông Người ra và biến đi.

Một đêm khác, thầy Antôn đang cầu nguyện nơi hang đá kia, bỗng chốc quỷ lấy hình hung ác hiện ra, giơ tay lên toan đánh chết Người, Người liền đọc Kinh Đức Mẹ, thì Đức Mẹ hiện ra sáng chói trên đám mây, giữa muôn vàn thiên thần, quỷ tức thì sợ hãi trốn mất dạng. Về sau, người ta xây một bàn thờ trong hang ấy để tạ ơn Đức Mẹ, bàn thờ ấy ngày nay vẫn còn và người ta năng đến kính viếng.

3. Ơn nói tiên tri.

Tại thành Anisi, nước Pháp, có một người đàn ông giàu sang, nhưng bê bối về đạo vợ chồng. Một hôm, thầy Antôn gặp ông và nói: “Tôi quý ông, vì tôi biết sau này ông sẽ sửa mình, đi truyền giáo và được phúc tử đạo nữa”. Người ấy nghe nói vậy thì cúi đầu cười rồi bỏ đi. Chẳng bao lâu, ông ấy được ơn hối cải: lại nhiệt thành theo Đức Giám Mục Giáo Phận sang giảng đạo cho người Hồi giáo tại Đất Thánh được nhiều thành quả và sau cùng được phúc tử đạo cùng với Đấng Giám Mục ấy.

Cũng tại thành Anisi, có một bà đến xin làm phép thai, thầy Antôn bảo: “bà hãy vui mừng, con bà sẽ gọi là Philliphê, sẽ tu Dòng Phan Sinh và nên cao trọng trước mặt Chúa vì phúc tử đạo”. Mọi việc xảy ra đúng như thầy báo trước. Người con ấy đã làm linh mục Phan Sinh, sang Đất Thánh lo việc đạo, chẳng may bị người Hồi bắt sống cùng nhóm bạn đông lắm. Bấy giờ quân Hồi cho các giáo hữu chọn một trong hai điều này: một là bỏ đạo mình mà theo đạo Hồi, hai là bị xử chém tất cả. Thầy Philliphê sốt sắng khuyên anh em thà chết hơn là bỏ đạo Đức Giêsu. Và mọi người cùng với thầy giữ vững đức tin xưng đạo ra, để lãnh lấy nhành thiên tuế tử đạo.

CHƯƠNG VII: HIẾU THẢO TRI ÂN

Thầy Antôn hằng hiếu thảo với cha mẹ và đền đáp kẻ làm ơn cho mình. 

1. Cứu cha khỏi oan khổ. Ta không có tài liệu để biết cách Người hiếu thảo thế nào với cha mẹ, mà Người hằng thương nhớ vô cùng; nhưng nói về cha thì có tích sau đây: Cha Người là ông Matinô, là quản khố Nhà Nước tại kinh thành Lisbon. Ông là người công minh, chính trực, không hề tơ hào đến của cải nhà Vua, nhưng có tính dễ dãi thương người. Ông cho mấy bạn đồng liêu vay tạm của kho, mà không bắt làm khế tự. Đáng lẽ những người ấy biết ơn ông mới phải. Nhưng than ôi, đời này biết ơn thì hiếm lắm! Họ đã không trả nợ, lại cùng nhau tố cáo là phân tán của kho.

Nhà Vua cho mở cuộc điều tra. Ông Matinô khai đúng sự thật, nhưng ban điều tra không tin, vì khẩu thuyết vô bằng. Nên chẳng những phải bồi hoàn, mà còn bị tù tội nữa. 
Được tin ấy, thầy Antôn cầu xin Chúa thương cứu giúp cha mình cách nào. Bỗng Thiên Thần đem Người từ nước Ý về nước Bồ Đào Nha trong nháy mắt. Người vào toà án nơi đang xử cha Người. Người liền nói cho các quan biết tên những kẻ đã vay của kho, mỗi người là bao nhiêu, rồi cho đòi chúng đến. Trước uy quyền của thánh nhân, chúng đã thú nhận mọi sự và cha Người được minh oan.

Nhưng chưa hết, ông Matinô còn gặp một vụ khó khăn lớn hơn thế nữa. Số là dân thành đánh nhau làm cho một người mất mạng. Để thoát tay thần công lý, chúng lén chôn xác nạn nhân vào vườn nhà ông Matinô và vu oan cho ông tội giết người. Tòa luận cho Matinô và một tên đầy tớ của ông phải án tù. Bấy giờ, thầy Antôn đang ở nước Ý, được Thiên Thần mang ngay về thành Lisbon, Bồ Đào Nha, chính lúc cha Người bị điệu ra pháp trường. Người liền bảo đưa quan tài người chết đến, thầy sấp mình cầu nguyện rồi lấy giọng oai nghiêm bảo kẻ chết rằng: “Nhân danh Chúa Giêsu, ta truyền cho ngươi sống lại và nói cho mọi người ở đây ai là người giết ngươi”.

Người chết liền sống lại và nói rõ ràng: “Không phải ông Matinô giết nhưng chính kẻ vu khống đã giết tôi”. Các quan tòa liền thả ông Matinô và người gia bộc đồng thời lên án tù cho kẻ vu cáo.

2. Ly vỡ lại lành.

Thầy Antôn hay đền đáp cho kẻ làm ơn cho mình. Trên đường từ Pháp về Ý, Người cùng một bạn đồng hành vào trọ đêm trong nhà của một bà đạo đức và nghèo khó. Bà chỉ mượn hàng xóm một cái ly cho hai người, thế mà tu sĩ đồng hành lại đánh rơi vỡ nát. Đã vậy, thùng rượu vang dưới nhà lại quên khóa vòi lại, chảy tràn lan. Hai tai vạ một trật, bà chịu không nổi liền đem tâm sự với thầy Antôn. Người vừa cúi đầu cầu nguyện thì bà thấy các mảnh vỡ đã ráp lại và cái ly trở lại nguyên lành như trước. 
Bà liền nghĩ: “Đấng làm ly vỡ lại lành, ắt cũng có phép làm cho vò rượu vơi lại đầy như cũ”. Cho nên, bà chạy xuống nhà xem sao, thì quả nhiên thấy vò rượu đã đầy. Bà liền chạy lên quỳ gối tạ ơn ông thánh. 

CHƯƠNG VIII: VỀ NHÀ CHA

1. Pađua, quê hương thứ hai.

Sinh quán là người thành Lisbon, đáng lẽ gọi Người là Thánh Antôn thành Lisbon mới phải, tại sao lại gọi là Thánh Antôn thành Pađua. Thưa, vì Người đã chọn thành ấy là quê hương thứ hai, đã ở đó lâu năm và qua đời, lại cũng an táng ở đó. Lại vì dân thành ấy ngoan đạo, có lòng mạnh tin và có lòng mộ mến người dòng Phan Sinh rất đặc biệt. Đừng kể lần giảng trước, thì năm 1231, là chính năm Người qua đời, Người đã giảng đại phúc mùa chay cho họ, bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng 2, mà Người giảng giải khéo léo, sốt sắng hơn mọi khi ; nên dân thành say mê, quên ăn, quên ngủ, bỏ hết mọi việc , cửa nhà, để đến mà nghe cho thỏa. Nhiều giáo dân vùng phụ cận cũng kéo tới. Số người nghe đến ba bốn vạn nên giảng ở ngoài công viên hoặc ngoài cánh đồng. Tuy đông đảo như vậy, mà khi Người giảng, cử tọa im phăng phắc. Mỗi khi Người qua đám đông mà đến tòa giảng hoặc từ tòa giảng về thì người ta xô lấn nhau cố lại gần để hôn chân, hôn tay, hôn áo, nên phải có mười người lực lưỡng đi theo để bảo vệ. 

2. Đấng Thánh qua đời.

Sau mấy tháng giảng đại phúc ấy, thầy Antôn cảm thấy yếu mệt, kiệt sức khác thường và biết mình chẳng còn sống bao lâu nữa. Nên Người quyết bỏ mọi việc để dọn mình chết lành. Với hai thầy dòng thân tín, Người lánh vào khu rừng gần đó, làm ba người ba cái chòi để đọc kinh, nguyện ngắm, hãm mình. Trước cái chết sẽ đến, mỗi lúc mỗi gần, thầy Antôn đã không lo buồn, lại mong ước được thoát ly để mau đến cùng Đức Kitô.

Đến ngày 13 tháng 06 năm 1231, Người ngồi vào bàn ăn thì ngất đi. Đến khi tỉnh lại Người bảo các thầy: “ Tôi chết hôm nay. Xin đem ngay tôi về tu viện”. Nhưng vừa đến cửa thành, Người lại ngất đi, nên phải đem vào nhà thương tế bần gần đó, do dòng Phan Sinh thiết lập, điều hành. Khi tỉnh lại, Người khiêm nhường xưng tội, rước Mình Chúa làm của ăn đàng và lĩnh bí tích Xức dầu bệnh nhân một cách thật sốt sắng.

Sau đó, Người như bớt mệt, nên đọc hết kinh Đức Mẹ mà Người quen đọc từ nhỏ. Rồi Người ngửa mặt lên trời, mắt trừng trừng trông lên như thể xem thấy một sự lạ. Các thầy hỏi Người: “Thầy xem sự gì đó?”. Người đáp: “Tôi xem thấy Chúa Giêsu, Người ra hiệu bảo tôi đến cùng Người ngay”. Nói rồi, thầy Antôn cười và tắt thở, phó linh hồn trong tay Chúa, tròn ba mươi sáu tuổi.

3. Tang lễ hay khải hoàn? 

Trong khi nhà dòng chưa kịp loan báo tin buồn, thì khắp thành, trẻ nhỏ đều kêu lên: “Cha Antôn đã chết! Người về thiên đàng rồi”. Nghe nói thế, đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé, mọi người trong thành chạy đến nhà thương để chiêm ngưỡng Người lần sau hết. Họ khóc rằng: “Ôi cha rất thánh! Người sao bỏ chúng con mồ côi vậy”.

Người ta định an táng Người tại tu viện của dòng Phan Sinh. Lẽ đương nhiên là thế, nhưng dân địa phương vây xung quanh bệnh viện, nơi Người qua đời, lại muốn an táng Người trên đất của họ. Suốt ba ngày họ cầm khí giới canh xác chẳng cho mang đi. Điều đình mãi cũng không ổn. Đến sáng ngày thứ tư thì họ nhượng bộ.

Ngày 17 tháng 6, tức 4 ngày sau ngày thầy tạ thế, lễ an táng được cử hành long trọng, xưa nay ít có lễ tang nào sánh kịp. Có đủ mặt các đấng vị vọng của đạo và đời, ngoài dân thành Padua còn vô vàn người từ xa tuốn đến nữa. Khi còn sống, Thầy Antôn làm nhiều phép lạ, sau khi chết, càng nhiều phép lạ hơn. Đang khi đưa đám thầy, có nhiều bệnh nhân được khỏi tức thì. Và người ta càng thêm lòng tôn kính và khóc lóc thương tiếc thầy hơn nữa.

CHƯƠNG IX: HẠNH PHÚC VÀ VINH QUANG

1. Lễ phong thánh.

Cha Antôn qua đời chưa được đầy năm thì Giáo Hội đã phong thánh cho Người. Xưa nay, chưa từng thấy đấng nào chóng được phong thánh đến như vậy. Là vì thiên hạ coi Người là thánh sống, qua các nhân đức và phép lạ của Người.

Vậy ngày lễ Chúa Thánh Thần (tháng 5) năm 1232, Đức Giáo Hoàng Grêgoriô X đã làm lễ phong thánh cho Người tại thành Spoleta, nước Ý, mới mười một tháng, sau ngày Người tạ thế. Đúng vào giờ đó, các chuông nhà thờ thành Lisbon thấy tự nhiên đổ vang lừng. Ai nấy đều đua nhau trẩy đến nhà thờ xem mà chẳng biết lý do gì. Đến sau này mới rõ là để mừng Thánh Antôn 

2. Đền thánh Antôn tại Padua.

Dân thành Padua vốn kính mến và cậy trông Cha Antôn, vì thế cùng tôn Người là Thánh Bảo Trợ và quyết định xây dựng một đền thờ mới rất đẹp để tôn kính Người. Họ đi khắp nơi để tìm thầy tài, thợ giỏi, sắm đá quý, gỗ tốt, không tiếc công, tiếc của. Đức Giáo Hoàng thấy vậy cũng kêu gọi sự tiếp tay của thế giới Công giáo. Tính ra, một ngàn tay thợ giỏi, phải mất đến 32 năm mới hoàn thành. Công trình thật nguy nga tráng lệ, đáng xếp vào hàng những nhà thờ đẹp nhất, danh tiếng nhất thời bấy giờ.

Năm 1263, trong dịp lễ thánh nhân, người ta đưa hài cốt Thánh Antôn từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura, cũng thuộc dòng Phan sinh. Khi khai quật lên thì thấy da thịt đã tiêu tan hết, nhưng riêng lưỡi thì còn y nguyên. Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ”. Rồi truyền đạt cất lưỡi ấy vào một bình bạc để tôn kính riêng.

Từ đó khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn. Trên mộ Người có hàng trăm đèn thắp nến sáng đêm ngày. Và thánh nhân hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn.Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng Thánh Antôn. Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực. Hãy hỏi dân thành Padua , hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy”.

3. Đến thành Lisbon, nước Bồ Đào Nha.

Thành Lisbon là kinh thành nứơc Bồ đào Nha và là nơi sinh quán của thánh nhân. Do có lòng kính mến, nên người ta đã cất một nhà thờ to lớn, trên nền nhà, nơi Người đã sinh tại đó. Năm đó có động đất dữ dội, nhà cửa thành Lisbon đổ xuống, gây thiệt mạng rất nhiều người, đồng thời hoả hoạn lan tràn, đốt cháy thiệt hại nhiều vô kể. Đền Thánh Antôn cũng đổ, cũng cháy nhưng có điều lạ là Tượng Thánh Nhân và bàn thờ vẫn cò y nguyên.

Lại khi động đất, có một thanh niên đến quỳ trước tòa ông thánh, bị bức tường đá đổ xuống đè lên người anh. Ai cũng tưởng là anh ta đã chết. Ai dè ngày sau, sau khi thu dọn gạch, đá vôi vữa, thì thấy anh ta ngồi dưới bức tường đổ bình an vô sự. Anh ta kể rằng: “Chính ông Thánh Antôn đã cứu chữa và đưa lương thực mỗi ngày cho tôi”. 
Chẳng riêng gì thủ đô mà cả nước Bồ Đào Nha đều nhiệt liệt sùng kính ông thánh đồng hương, nên hằng được Người ra tay cứu chữa.

4. Đền thánh Tua, nước Pháp.

Dân thành Tua ngoan đạo, mạnh tin và vẫn có lòng sùng kính thánh Antôn, là bổn mạng của thành. Từ sau khi nhận được xương và sọ đầu của thánh nhân. Số là năm 1348, có Đức Hồng Y, Khâm Sai Toà Thánh, đi qua thành này thì ngã bệnh nguy cấp lắm. Sau khi cầu xin Thánh Bảo Trợ thành này thì được khỏi. Về sau, nhân dịp Ngài đến thành Pađua chứng kiến lễ cải táng Thánh Antôn, thì xin được xương đầu của Người mà gởi tặng cho thành Tua để đền ơn đáp nghĩa. Dân thành tiếp nhận được của quý trọng thì mừng hơn được vàng.

Từ đó, dân thành càng kính mến cậy trông thánh nhân hơn nữa. Việc lớn, việc nhỏ, phần xác, phần hồn họ đều chạy nhờ thánh nhân. Vì thế, Người thương yêu, săn sóc dân thành chẳng kém gì dân thành Pađua.Trời hạn hán, kêu cầu thì được mưa. Đồng lụt lội, kêu cầu thì được tạnh hanh. Làng bên gặp dịch tả chết rất nhiều, mà dân thành Tua cầu khấn Thánh Antôn thì bằng an vô sự. Biết bao kẻ bệnh hoạn được khỏi, người túng cực được giúp đỡ, kẻ mất của được tìm thấy. 
Xem thế, đủ biết thiên hạ sùng kính Thánh Antôn và được Người giúp đỡ, thương yêu đến chừng nào.
PHẦN THỨ HAI 
SỰ SÙNG KÍNH THÁNH ANTÔN

Sự sùng kính các thánh gồm hai tâm tình: một là tôn trọng sự cao sang của các ngài nơi Thiên Chúa, để được ơn phúc phần hồn. Vì thế, không lạ gì Thánh Antôn được nhiệt liệt sùng kính ngay từ buổi đầu. Và vì Người không ngừng làm phép lạ, nên sự sùng kính không ngừng khuếch trương. Đạo Chúa truyền đến đâu thì Thánh Antôn cũng theo đó. Ngay tại Việt nam, các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu với cha ông chúng ta và đã được ơn Người giúp đỡ phù trì. Sau đây, xin trình bày một số ơn lành mà sự sùng kính thánh nhân đã đem đến.

CHƯƠNG I: TOÀ KHẤN TẠI NHÀ BÀ LOUISE

Năm 1890, tại thành Toulon , nước Pháp, có một tín nữ ngoan đạo, vốn sống độc thân, tên là Louise, làm nghề bán hàng tấm. Vào sáng ngày 12 tháng 3, bà khoá cửa đi dự lễ, khi về mở cửa không ra, bà gọi thợ sửa đến mở, cũng không mở ra được. Đang khi thợ ấy về lấy đồ nghề để cạy khoá, thì bà chủ bỗng nhớ đến thánh Antôn, mà khấn rằng: “Lạy Ông Thánh, xin thương giúp con mở được khoá, thì con hứa sẽ làm phước cho người nghèo”.

Khi thấy người thợ trở lại, bà bảo rằng: “Anh hãy khoan bẻ khoá. Tôi vừa khấn thánh Antôn! Anh hãy lấy chìa khoá mở thử lần nữa xem sao!”. Người thợ làm theo lời bà chủ thì khoá liền mở ngay được. Hàng xóm tuôn đến xem đông lắm. Ai nấy đều bỡ ngỡ và ngợi khen quyền thế và lòng lành của thánh nhân.

Tin ấy đồn đến khắp thành. Ban đầu có năm bà quen thuộc đến nhà bà Louise cầu khấn. Có một người được ơn là chồng sửa đổi tính nết, trước nóng nảy, sau trở nên hiền hậu, nên bà sắm tượng Thánh Antôn đem tặng bà Louise. Bà liền lập bàn thờ kính ông thánh tại nhà mình, đêm ngày trưng hoa, đèn nến sốt sắng.

Từ đó, người người đến cầu khẩn hàng ngày càng thêm đông. Mới đầu còn thưa thớt, nhưng từ đó trở đi, từ sáng đến tối, khách hành hương tấp nập kéo đến, trong đó có cả tu sĩ, linh mục và hàng giám mục. Thỉnh thoảng có kẻ tò mò đến quan sát xem thực hư thế nào nhưng cũng không thấy có gì giả dối. Nhiều nơi cũng noi gương bà Louise mà lập đài thánh Antôn trong nhà thờ hoặc tu viện. Vì thê sự sùng kính Thánh Antôn lan ra rất mau, rất rộng, nhất là trong nước Pháp và nước Bỉ.

CHƯƠNG II: VỀ ƠN PHẦN HỒN

Chương sau đây dành để kể lại một số ơn đã được, do lời Thánh Antôn chuyển cầu. Hoặc có ai hỏi người ta thường xin nơi Thánh Antôn những ơn nào? Thì xin thưa rằng: hết mọi ơn, chẳng kể lớn hay nhỏ, phần xác hay phần hồn. Nhưng trên thực tế, họ xin ơn phần xác nhiều hơn. Là vì đời sống con người luôn luôn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, cũng là vì tâm lý loài người ưa thích lợi lộc vật chất đời này hơn là phúc thiêng liêng đời sau.

Về phần hồn, người ta xin cho mình hoặc cho kẻ khác ơn xa lánh tội lỗi, ơn chừa cải nết xấu, tính hư như: cờ bạc, rươu chè, hút sách, rắc rối chồng vợ; ơn sốt sắng trong việc đạo, bền đỗ làm việc lành; ơn nhận biết và theo đuổi ơn thiên triệu làm tôi Chúa, sau là ơn chết lành.

- Một cô viết cho bà Louise coi bàn thờ thánh Antôn rằng: “Cha tôi khô đạo, cứng lòng, ai khuyên cũng chẳng động. Tôi liền kêu khấn Thánh Antôn, thì nay đã xưng tội và rước lễ ngày Đức Mẹ Vô Nhiễm rồi. Xin hết lòng tạ ơn ông Thánh Antôn. 
- Một bà mẹ viết cho bà Louise rằng: “Tôi chỉ có một đứa con trai hư thân mất nết, chẳng đọc kinh xem lễ bao giờ. Nay nó đã xưng tội, rước lễ là nhờ công nghiệp của Thánh Antôn, mà tôi đã kêu van”. 
- Người đàn ông viết cho bà Louise rằng: “Tôi có một anh bạn chí thân bị bệnh rất nặng. Anh ta vốn khó khăn, bỏ bê việc đạo đã lâu. Nay thấy bệnh tật ngặt nghèo, khó lòng qua khỏi, chúng tôi khuyên anh hãy nên lo việc linh hồn mình. Nhưng anh bỏ ngoài tai. Thấy vậy, chúng tôi đọc kinh Thánh Antôn, thì anh ta động lòng, xin xưng tội, rước lễ và đã qua đời tốt lành”. 
- Một thư khác viết: “Mẹ tôi bệnh nặng, bất tỉnh đã hai ngày chẳng xưng tội được. Tôi đã kêu van Thánh Antôn, thì mẹ tôi đã tỉnh lại một hồi, cũng được chịu các phép đạo sốt sắng, rồi mới chết lành”. 
Ơn được gọi làm tôi Chúa là ơn rất trọng đại. Nhưng trên đường thực hiện ơn ấy cũng chẳng ít khó khăn. Thánh Antôn luôn ra tay giúp đỡ trong lãnh vực này . 
- Thiếu nữ kia ước ao vào tu viện, nhưng vì nhà giàu có, lại là con một nên mẹ cha chẳng muốn, mặc dầu cô đã nài van tha thiết. Chẳng biết làm thế nào nữa, cô chạy đến kêu cầu thánh Antôn và khấn làm phúc cho kẻ nghèo. 
Mới được mấy ngày thì cha mẹ đổi ý, chẳng những sẵn sàng đưa con vào dòng tu mà còn đến đền thánh tại Toulon để tạ ơn thánh nhân, cùng nộp một số tiền mà con mình đã khấn hứa. 
- Một linh mục kia muốn vào một dòng nhặt nhiệm, song lại hay đau yếu bệnh tật, không còn trông giữ luật dòng được, nên Bề trên không nhận. Thầy chạy đến kêu cầu Thánh Antôn, hết tuần cửu nhật thì thấy mình khỏi bệnh và được nhận vào dòng. Trước khi nhận tu viện, linh mục ấy không quên đến tạ ơn Thánh Antôn tại nhà bà Louise. 

CHƯƠNG III: VỀ ƠN KHỎI BỆNH

Từ phần này trở đi, xin kể lại một số ơn phần xác mà Thánh Antôn đã cầu thay nguyện giúp cho người ta. Trong các ơn phần xác ấy, có lẽ ơn khỏi bệnh là nhiều hơn cả. Bệnh là tai họa chung cho cả loài người. Ai ai cũng đều mắc bệnh, chẳng ít thì nhiều, chẳng nặng thì nhẹ…Có người mang nhiều thứ bệnh cùng một lúc. Bệnh là cái khổ day dứt khó chịu, ai ai cũng cầu mong cho gặp thầy gặp thuốc, mau qua, chóng khỏi. Trong khi tìm thầy chạy thuốc, nhiều người lấy lòng tin mà cầu khấn Thánh Antôn chữa và đã được chữa khỏi các bệnh tật.

Sau đây là một ít điển tích: 
- Một người viết cho bà Louise rằng: “Vợ tôi phải bệnh nặng, các y sĩ đều chê. May khi ấy, tôi xem truyện Thánh Antôn thấy Người hay cứu chữa bệnh nạn. Tôi liền kêu khấn Ngừơi và được Người ban ơn. Ban đầu vợ tôi thấy bớt, sau dần dần khỏi hẳn. Tôi hết lòng đội ơn thánh Antôn”.
- Bà Bề trên dòng nữ kia viết cho bà Louise như sau: “Tôi mắc bệnh đau mắt, đã dùng nhiều thuốc mà chẳng thấy đỡ, mỗi ngày mỗi nhoà thêm, đến nỗi tưởng mình sẽ mù. Khi ấy tôi kêu khấn Thánh Antôn, thì nay tôi đã khỏi”.
- Một bức thư gửi về Đền Thánh Antôn tại Paris như sau: “Tôi phải chứng thổ huyết nặng lắm. Các thầy thuốc y sĩ đều chê. Tôi thấy chẳng còn trông cậy gì về phía loài người, thì tôi ngửa mặt lên trời kêu khấn thánh nhân. Lạ thay! Bệnh tôi nặng như thế, mà thánh nhân đã chữa tôi như không. Đã bốn năm tháng nay, tôi đã khỏi hẳn, chẳng ho hắng gì nữa. Xin hết lòng đội ơn Thánh Antôn”.
- Một tích khác: “Tôi mắc phải chứng nhức đầu đã ba, bốn năm. Một tuần lễ, tôi phải khổ một ngày một đêm, như búa bổ vào đầu. Tôi đã dùng đủ thứ thuốc mà chẳng hề bớt. Nhưng nghe kể về những phép lạ thánh Antôn đã làm, chữa bệnh tật người ta, tôi đem lòng trông cậy mà kêu van Người, Người cũng thương tôi nữa. Quả nhiên, tôi đã được nhận lời và từ nửa năm nay, tôi không thấy nhức đầu nữa”.
- Một tích nữa kể rằng: “Con tôi có chứng đau bụng. Mỗi tháng nó đau một hai lần, có khi đến ba lần. Mà mỗi lần đau khốn nạn như đứt ruột ra vậy. Tôi làm tuần chín ngày khấn Thánh Antôn thì nay con tôi đã khỏi. Tôi xin hết lòng cảm tạ”.

Tích kẻ sống lại

Năm 1214, Thánh Antôn đang rao giảng thì người ta đem một thanh niên mới chết vào nhà thờ. Bà mẹ cùng anh chị em khóc lóc thảm lắm. Thánh nhân cũng động lòng thương. Người tạm ngừng giảng, đến bên xác chết, nói lớn: “Nhân danh Chúa Giêsu, ta truyền cho người trỗi dậy”. Tức thì chàng ta sống lại và đứng lên. Ai nấy đều ngẩn người, sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa. Y như tích chàng trai thành Naim vậy.

Ngày kia, Thánh Antôn cùng các thầy khác đang vất vả chuyển vật liệu để xây nhà dòng, thì gặp một ông lão và đứa con đánh xe đi qua. Người muốn mượn xe chở mấy chuyến, nhưng ông lão nói dối là xe đang chở người chết, không hoãn được. Thánh Antôn làm thinh không nói gì. Lão già trong bụng mừng lắm, vì đã đánh lừa được ông thánh. Nhưng qua đó ông lão đánh thức đứa con trên xe, thì than ôi, con đã chết thật rồi!” Lão liền chạy đến thánh nhân, xin người thương xót. Người giơ tay làm dấu Thánh Giá thì con ông lão liền sống lại. 

CHƯƠNG IV: VỀ ƠN ĐƯỢC CỦA ĐÃ MẤT

Theo quan niệm bình dân, nét đặc trưng của thánh Antôn là “làm cho kẻ mất của lại tìm thấy”. 

Sự tin tưởng ấy bắt nguồn từ tích sau đây:

- Khi thánh Antôn ở một tu viện kia thì có một tập sinh toan hồi tục, ban đêm lấy trộm cuốn sách có chép các bài giảng của Người mà trốn đi. Sáng ra, Người thấy mất sách ấy, Người tiếc lắm, liền quỳ gối cầu xin Chúa cho lấy lại được. và Chúa đã nhậm lời thánh nhân. Số là khi anh tập sinh đi đến giữa cây cầu bắc qua con sông, nước sông chảy xiết, thì có một hình người to lớn hiện ra nói rằng: “Mày phải trở lại tu viện trả sách cho thầy Antôn ngay, bằng không tao sẽ giết bỏ xác mày xuống sông này !” 
Anh ta quá sợ hãi, nhưng vẫn do dự, thì hình người to lớn ấy trở nên to lớn và gớm ghiếc gấp đôi, làm anh ta thêm vô cùng sợ hãi khiếp vía, vội vã trở lại tu viện mà trả lại cuốn sách ấy và thú tội với thầy Antôn, sau khi đã thuật lại những chuyện vừa mới xẩy ra.

Từ xưa tới nay, nhiều người mất của cải, đồ vật kêu cầu thánh nhân thì đều được thỏa mãn ý nguyện, có mấy tích sau: 
- “Sáng Chúa nhật nọ, cả gia đình ông Gioan khóa cửa đi lễ, khi về đến nhà, thì hỡi ôi, thấy cửa rả đã bể tan, đồ đạc, tiền bạc đã mất hết! Suốt ngày ấy, ông chạy khắp chốn, săn tìm tung tích kẻ trộm, nhưng đều vô tăm tích. Đêm ấy, ông tiếc của và buồn bã lắm, không sao ngủ được, đến chừng nửa đêm, ông sực nhớ đến thánh Antôn và kêu khấn đến Người. Sáng hôm sau, ông đến quan tuần thành, có ý báo cáo sự việc. Không ngờ, nghe xong quan liền nói: “nửa đêm về sáng hôm nay, cảnh vệ đã bắt được một tên ăn trộm vác một bao to, mở ra thấy nhiều đồ dùng quý giá. Ông thử đến xem sa?”. Ông Gioan liền xem và quả thật ông nhận ra đúng đó là đồ của mình đã mất. Ông mừng rỡ cám ơn quan tuần và nhận tất cả tài sản mang về nhà. Trên đường về nhà, ông nhớ ra kẻ trộm bị bắt, theo như quan tuần vừa nói vào đúng giờ ông kêu cầu đến thánh Antôn”.
- “Bà kia mất một số tiền lớn bằng bạc giấy, tìm mãi không ra. Sau đó hai tháng, bà kêu khấn thánh Antôn một tuần chín ngày, có xưng tội rước lễ, Ngày thứ 9, đi lễ về gần tới nhà thì thấy một cái bao nằm ở bên lề đường. Bà trông qua rồi bỏ đi, nhưng nghĩ ngợi thế nào, bà trở lại, nhặt lên, mở ra xem thì rõ ràng đúng với số tiền của mình, chỉ thiếu có hai trăm. Ngày hôm sau, có một người bạn thân đến thú tội, xin lỗi và hứa sẽ trả lại số tiền còn thiếu là hai trăm cho bà.”
- “ Tôi mất số bạc rất lớn, tám tháng tìm không ra. Nghe lời bè bạn mách bảo, tôi cầu khấn thánh Antôn, thì kẻ trộm kín đáo ném số bạc qua cửa sổ trả lại tôi, tôi tin là thánh nhân giục lòng nó.” 
- “Có người nợ tôi một số tiền bảy trăm, đòi mãi không chịu trả, vì không có giấy tờ gì minh chứng. Tôi tưởng nghĩ chắc là mất luôn. Nay tôi kêu khấn thánh Antôn, thì Người mở lòng cho anh ta thanh toán hết, lấy được của mà không mất lòng, tôi xin đội ơn thánh Antôn.” 
- Tích lạc con: 
“Tôi có đứa con lên 8, hằng ngày nó vẫn đi chơi với các trẻ em lối xóm, trưa hôm ấy, không thấy nó về ăn cơm như thường ngày. Tôi lo lắng buồn bã, cho người lùng sục khắp nơi xa gần, trong vòng hai tháng mà vẫn bặt vô âm tín. Tôi sực nhớ đến ông thánh Antôn và cầu khấn đến Người. Chưa hết một tuần lễ, bỗng thấy nó về và nói rằng có người bắt nó để làm con nuôi, nhưng nó trốn được. Tôi tin thật thánh Antôn đã đưa nó về, nên tôi nhớ ơn thánh nhân mãi mãi.” 
- “Khoảng năm 1980, đền thánh Antôn ở Chí Hoà mất một lư hương bằng đồng. Mấy ông chức việc kêu khấn thánh Antôn, rồi đi khắp nơi lùng sục, liền thấy bày bán ở chợ đồ đồng và chỉ phải chuộc lại bằng một tiền nho nhỏ. “và còn nhiều tích mất ảnh vàng, chuỗi bạc, mất giấy tờ, súc vật, bò ngựa.. và được thấy. Không kể nữa kẻo dài. 

CHƯƠNG V: VỀ NHỮNG ƠN CỨU GIÚP NGƯỜI KHÁC

Ngoài ơn chữa khỏi bệnh, ơn tìm thấy của đã nói ở phần trên, thánh Antôn còn rộng tay cứu giúp cho mọi trường hợp, như học hành, thi cử, công ăn việc làm, tai qua nạn khỏi, túng thiếu ngặt nghèo.

Sau đây là mấy tích điển hình về các ơn ấy. 
Có nhiều học trò nhờ ông thánh Antôn mà học hành tiến tới đỗ các kỳ thi, đã viết thư cám ơn gởi về Đền thánh tại Paris . 
- Một gia đình tạ ơn như sau: “Vợ chồng tôi đã cầu xin thánh Antôn giáo dục trong công việc làm ăn, thì tháng vừa rồi, thấy phát đạt hơn nhiều. Chúng tôi không biết làm thế nào mà tạ ơn ông thánh. Vậy xin gởi đến một bó hoa tươi”.
- Bà Louis kể rằng: “Nhóm thuyền chài thành Toulon từ khi chạy đến kêu khấn thánh Antôn thì làm ăn khá hơn nhiều”.
- “Những năm trước, nhà tôi làm ăn thất bát, người trong nhà lại đau ốm luôn. Song từ khi tôi trông cậy chạy đến thánh Antôn, thì làm ăn thịnh lợi và mọi người được khoẻ mạnh”.
- “Miền chúng tôi bị dịch trâu bò, thiệt hại nhiều lắm. Có nhà chết một con, có nhà chết hai ba con. Thế mà nhờ ơn thánh Antôn, nhà tôi không mất con nào cả”. 
- “Tôi là giáo viên nghèo sống bằng nghề dạy học tại tư gia. Đầu năm nay, tôi không tìm được chỗ dạy, nên túng thiếu lắm, tôi đã đến kêu khấn thánh Antôn, thì đến đầu tháng ba, có nhà đến kêu tôi dạy cho họ”.
- “Tôi ở nhà thuê. Hết hạn không tiền để trả. Chủ nhà dọa đuổi. Tôi đi vay đâu cũng không ra. Sau cùng,tôi kêu khấn thánh Antôn mới được hai ngày thì có người cho vay mà không lấy lãi”.
- “Ở thành Toulon , có một người mở cửa hàng bán cơm. Mới đầu thì đông khách lắm, nhưng về sau vắng dần. Gia đình lâm cảnh thiếu ăn. Bỗng một hôm bà ta đến Đền thánh Antôn tại nhà bà Louise mà cầu khấn. Cầu nguyện rồi, bà ra về, nửa đường gặp con đi tới đón và bảo: “Mẹ về gấp, nhà đầy khách rồi” - Từ bấy giờ, quán bà đông khách. Thỉnh thoảng có khi khách thưa, bà lại kêu thánh nhân, thì khách lại kéo đến.” Tích trên đây do chính bà Louise kể lại.

CHƯƠNG VI: VỀ CÁCH SÙNG BÁI THÁNH ANTÔN

Trước hết phải năng đọc truyện thánh Antôn, suy gẫm về tính hạnh của Người, hầu nhận thức được sự thanh cao, lòng nhân hậu vô hạn của Người, để thêm lòng kính mến, cậy trông mà cầu xin, kêu van với Người cho sốt sắng.

Khi làm tuần cửu nhật, nhất là dịp lễ kính Người, càng nên đọc hạnh Người hơn nữa. Tập nhỏ này biên soạn nhằm mục đích ấy. Về việc làm thì ngoài việc đọc kinh thánh Antôn, còn thêm làm việc phúc bố thí của cải cho người nghèo khó nữa.

Hàng ngày, nhất là khi cần thiết, ta có thể đọc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh rồi thêm câu: Lạy thánh Antôn xin cầu cho chúng tôi.

Hàng tuần, người ta quen dùng ngày thứ ba để kính Người, cũng như ngày thứ tư kính thánh Giuse vậy. Ngày đó ta có thể làm thêm việc làm như tham dự thánh lễ, làm việc bác ái, tông đồ.

Hàng năm, hãy mừng lễ thánh Antôn (13/6) cho thật trọng thể. Nhớ làm tuần cửu nhật trước lễ. Đối với những ai có lòng sùng kính Người đặc biệt thì có thể coi tháng này là tháng thánh Antôn.

Về thứ tự các kinh trong tuần ba, tuần bãy, tuần chín, có thể đọc lần lượt như sau:

+ Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh (3 hoặc 7 lần).
+ Kinh thánh Antôn. 

Mẫu 1:

Lạy ơn Thánh Antôn, xưa đã chê bỏ thế gian cùng với sự thuộc về nó, cho nên được nhận cùng cả nhiều tích nhiều của thiêng liêng, lời nói việc làm ở trên đời. Chúng con xin ông Thánh Antôn cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa. Chúng con nài xin Đức Chúa Trời làm cho Hội thánh được vui mừng trong ngày lễ Ông Thánh Antôn, thì chúng con xin Đức Chúa Trời ban sức mạnh thiêng liêng, cho chúng con được lòng kính mến thờ phượng Đức Chúa Trời cho sốt sắng: cho chúng con đáng hưởng phúc vô cùng đời sau. Vì Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Mẫu 2:

Lạy ơn Ông Thánh Antôn là Thánh Cả, là cha rất nhân lành, đã được phép riêng Đức Chúa Trời ban cho, để giúp người ta tìm thấy những của đã mất. Xin thương giúp chúng con thấy của đang tìm bây giờ. Còn lại xin Người bầu cử cho con được tin cho vững, được theo thánh ý Đức Chúa Trời cho trọn, được thật lòng chê bỏ những sự vui hèn thế gian, mà một mến những sự thật trên trời. Amen.

Mẫu 3:

Lậy thánh Antôn, Đấng an ủi đáng yêu của người lao nhọc, là danh y luôn luôn chữa kẻ khốn cùng, Khắp thế giới hằng nhắc nhở, Ca tụng những sự phi thường, Và những ơn trọng đại mà Thiên Chúa đã dành cho Thánh Cả.

Người đã chọn Thánh Cả, Để kêu gọi nhiều kẻ quay về Và ngày nay Thánh Cả ngự trên trời, như một dụng cụ tốt lành trong tay Thiên Chúa Toàn Năng để chuyển thông muôn vàn ơn lạ Nhờ lời Thánh cả chuyển cầu mà Thiên Chúa ban cho con người đầy dẫy ơn lành. 
Vậy chúng con đặt hết lòng tin tưởng nơi Thánh Cả.

Lậy Đấng thoa dịu nỗi ưu phiền, chúng con vững lòng tin cậy. Vì những đặc quyền của Thánh Cả trước tòa Thiên Chúa, Lúc nào cũng sẵn sàng phù trợ những người khổ đau. Chúng con nài xin Thánh Cả đoái nghe và hộ vực chúng con trong cơn nguy hiểm này.

Như chúng con đã tỏ bày cùng Thánh Cả, nhân vì hạnh phúc vô tận thần thiêng mà Thánh Cả đã tận hưởng nơi Chúa Giêsu Hài Đồng. Chúng con nài xin Thánh Cả, Cầu bầu với Chúa Giêsu nhân hậu, là Đấng Thánh Cả đã bồng ẵm trên tay những sở nguyện tha thiết của chúng con. Và những ơn lành và thân thế mà Chúa Cứu Thế đã ban cho Thánh Cả tràn ngập nơi thế này.

Chúng con nguyện xin Thánh Cả cho chúng tôi được hoà hợp, được bảo đảm nhờ công nghiệp, nhờ ân hậu Thánh Cả giúp cho. Lậy Thánh Antôn, hãy cùng chúng con thông cảm, nào chúng con có là gì mà dám kêu đến lòng quảng đại thánh nhân, chúng con mong được trổ sinh nhiều hiệu quả, để làm cho danh Thánh Cả ngày thêm rạng rỡ vinh quang trước mặt mọi người. Amen. 

- Kinh Lạy Cha + KM + Sáng danh

Mấy kinh cầu tuỳ nghi sử dụng:

- Ông thánh Antôn cứu chữa kẻ có tội. Cầu cho chúng con. 
- Ông thánh Antôn an ủi kẻ âu lo. Cầu cho chúng con. 
- Ông thánh Antôn hay chữa kẻ liệt lào. Cầu cho chúng con. 
- Ông thánh Antôn cho kẻ mù được sáng. Cầu cho chúng con. 
- Ông thánh Antôn cho kẻ què được đi. Cầu cho chúng con. 
- Ông thánh Antôn cho kẻ chết sống lại. Cầu cho chúng con. 
- Ông thánh Antôn cho kẻ mất của tìm thấy. Cầu cho chúng con.
 
PHẦN THỨ BA 
CUỘC ĐỜI THÁNH PHANXICÔ 

- 1182: Phanxicô sinh ra tại Atxidi (nước Ý), Ngài là con ông Phêrô Bênađônê (mất trước năm 1215), Thân phụ Ngài là một nhà buôn vải rất giàu có và cũng có nhiều nhà cửa, ruộng đất trong thị xã; Thân mẫu Ngài , bà Pica, là một người dòng dõi quí phái ở Provence, miền Nam nước Pháp.

- 1199 chiến tranh bùng nổ giữa hai thành Atxidi và Perousia kéo dài đến 1208.

- 1202 (tháng 11) Lực lượng vũ trang của Atxidi bị đánh bại ở Collestrada và Phanxicô bị bắt làm tù binh ở Perousia.

- 1203: Phanxicô được trả tự do và trở về Assidi.

- 1204: Phanxicô bị một cơn bạo bệnh kéo dài.

- 1205: sau một thời gian dưỡng bệnh lâu dài, mộng công danh của Phanxicô lại bừng dậy, chàng lại quyết định tòng quân dưới quyền chỉ huy của tướng Gauthier de Brienne đứng về phe Giáo Hoàng chống lại phe Hoàng đế. Trên đường đi đến Spoleta, Phanxicô gặp một hiệp sĩ nghèo, y phục rất tồi tàn, Ngài thương tình đổi ngay bộ võ phục sang trọng đang mặc cho anh ta. Cử chỉ này đã đem lại cho Phanxicô một phần thuởng xứng đáng. Ngay đêm hôm ấy, nơi quán trọ ở Spoleta, trong giấc mộng có tiếng vọng huyền bí hỏi Phanxicô: Tại sao con lại bỏ Chủ mà theo tớ? - “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” - Hãy quay trở lại quê nhà! Lập tức Phanxicô trở lại Átxidi chờ đợi Chúa bày tỏ thánh ý Người.

- 1205: Chàng vẫn là Ông Hoàng của tuổi trẻ Átxidi; vào một buổi tối no, sau buổi yến tiệc rộn ràng kết thúc - đó là buổi vui chơi cuối cùng; chàng cảm thấy tất cả mọi sự trên đời này đều là hư vô và nhận ra chân lý đó chính là sự can thiệp của Thiên Chúa!

- 1205: một hôm Ngài gặp một người bệnh phong ở giữa đường; Ngài xuống ngựa và âu yếm ôm hôn người anh em khốn khổ này. Cử chỉ quả cảm trên là một cuộc đấu tranh gay gắt và phần chiến thắng của Phanxicô đối với bản thân đã quyết định ơn thiên triệu của Ngài.

- 1206: trước mặt Đức Giám mục, Phanxicô từ bỏ mọi của cải, thoát ly gia đình và xa lánh chốn phồn hoa.

- 1206-1208: Phanxicô sửa lại nhà thờ San Damiano, nhà nguyện kính thánh Phêrô và nhà nguyện Portioncula.

- 1208: tại Portioncula, Phanxicô nghe đọc đoạn Phúc âm vào ngày lễ kính thanh Matthia: “Các con hãy ra đi và rao giảng Nước Thiên Chúa…ra đi đừng mang theo gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (x. Lc 9,2-3). Ngài khám phá ra ơn gọi sống nghèo khó Phúc âm.

- 1208: Benađo và Phêrô Catanê đến và chung sống với Ngài.

- 1209: Phanxicô viết một bản luật ngắn và cùng 11 anh em đi Roma xin Đức Giáo Hoàng phê chuẩn lối sống (hành động này đã minh chứng Phanxicô không tách rời khỏi Giáo Hội.)

- 1210: Tại Roma, Đức Giáo Hoàng Innocentiô III chấp thuận và chúc lành cho nhóm Anh em Hèn mọn: Dòng I Phanxicô chính thức ra đời.

- 1212 (18-19/3): vào đêm ngày Chúa nhật lễ Lá tại Portioncula, Phanxicô mặc áo dòng cho Clara, Dòng II được khai sinh.

- 1212: Phanxico mở Đại hội toàn Dòng và hướng anh em đi truyền giáo cho dân Hồi hồi, chính Người xung phong qua Cận đông (Á Châu), nhưng một cơn bão tố tạt tầu trở lại nước Ý. 
- 1213: Người cùng anh Benađo sang Maroc (Phi châu) nhưng khi đến Tây Ban Nha thì ngã bệnh nặng phải trở về nước Ý. 

- 1215 (tháng 11): Phanxicô tham dự Công đồng Lateranô tại Roma, rất có thể tại đây, Ngài đã gặp thánh Đaminh chăng?

- 1216 (2/8): tại Perousia, Phanxicô xin Đức Giáo Hoàng Honorio III ơn Đại xá Portioncula.

- 1216: sau khi giảng tại Cannara, dân chúng vùng này xin bỏ tất cả mọi sự để theo làm môn đệ. Phanxicô khuyên họ đừng hành động như vậy và hứa sẽ tìm ra một lối sống đạo đức tu trì thích hợp với những người còn có trách nhiệm và bổn phận đối với xã hội.

- 1219: Đại Tu Nghị tại Portioncula quen gọi là Hội đồng chiếu vì đa số anh em phải dùng chiếu che lều ở. Số hội viên có mặt khoảng hơn 5 ngàn, Đức Hồng Y Hugolino chủ tọa Hội nghị. Thánh Đaminh tham dự cuộc hội nghị này.

- 1219: Phanxicô gặp Quốc Vương Hồi giáo. Sau đó ít lâu Ngài viếng thăm Thánh địa.

- 1220: Phanxicô trở về nước Ý với Phêrô Catanê, Elia và Cedariô Spira. Ngài từ chức Tổng Phục vụ và chỉ định Phêrô Catonê thay thế.

- 1221: tại Poggibônsi, để đáp lại nguyện vọng của đông dân chúng muốn sống “đời hoán cải”. Phanxicô đã lập ra cho họ một Dòng tu giữa đời. Hai ông bà Luchesiô và Buôdônna có lẽ là hai người đầu tiên gia nhập Dòng Phan sinh Tại Thế. Nhóm ACE này được mệnh danh là nhóm “quy thiện” hay “Ăn năn đền tội”, sau gọi là Dòng Ba Phanxicô. Hiện nay tên gọi chính thức là Dòng Phan Sinh Tại Thế.

- 1223: Tại Fonte Columbô, Phanxicô biên soạn luật Dòng I. Luật này được đem ra thảo luận trong Tổng tu nghị vào tháng 6, và ngày 29/11, Đức Giáo Hoàng Hônôriô phê chuẩn.

- 1224: Phanxicô lên núi La Verna để mừng Lễ Tổng lãnh Thiên thần Micae, ngày 17 tháng 9 Ngài được in năm dấu thánh, và sau đó Ngài trở về Portioncula.

- 1225 (3/5): Ngài cư trú tại San Damianô để chữa mắt. Ngài sáng tác bài ca Anh Mặt Trời.

- 1226 (thứ 7 ngày 3/10): Phanxicô qua đời tại Portioncula.

- 1228 (16/7): Đức Giáo Hoàng Giêgoriô IX phong thánh cho Ngài tại Átxidi.

Thánh Phanxicô là một con người có ý chí rất mạnh. Ngài luôn biến ý nghĩ thành hành động. Điểm nổi bật nhất trong đời sống của Ngài là yêu mến Phúc âm và đem Phúc âm ra thực hành trong đời sống. Phanxicô tự nguyện uốn nắn con người của mình theo giáo huấn của Phúc âm. Ngài luôn xem Phúc âm là luật sống, là nguồn cảm hứng liên lỉ của Ngài. Ước muốn được “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô đã đạt tới cao điểm khi Ngài được Chúa cho in năm dấu Thánh.
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.