Chúa nhật VI Phục Sinh, năm B
Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
25 Khi ông Phê-rô bước vào nhà ông Co-nê-li-ô, thì ông liền ra đón và phủ phục dưới chân ông mà bái lạy. 26 Nhưng ông Phê-rô đỡ ông ấy lên và nói : “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.”
34 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng nói : “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. 35 Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.”
44 Ông Phê-rô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. 45 Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phê-rô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống cả trên các dân ngoại nữa, 46 bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phê-rô nói rằng : 47 “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ ?” 48 Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: 1Ga 4,7-10
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là tình yêu.
9Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này :
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian
để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10Tình yêu cốt ở điều này :
không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 15,9-17
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” Đó là lời Chúa.
____________________
THEO CHÚA NHƯNG LẠI KHÔNG BIẾT CHÚA – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Có nhiều tín hữu theo đạo từ nhỏ, nhưng không biết Chúa Giêsu là ai, không biết Ngài muốn mình làm gì, không có tương quan thân mật với Đấng mình tin thờ. Những người này theo đạo và giữ đạo theo thói quen truyền thống mà không hiểu gì về niềm tin của mình. Tình trạng sống đạo theo thói quen truyền thống như thế có thể đang diễn ra nơi nhiều người trong chúng ta.
Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thiết lập và sống mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu qua ba việc: Yêu Mến, Tuân Giữ và Ở Lại. Ba đòi hỏi này không tách biệt nhau, nhưng hoà chung với nhau và làm cho chúng ta trở nên khác biệt với các tôn giáo khác. Đức Giêsu - Chúa của chúng ta là một Vị Thiên Chúa làm người, đến ở với chúng ta, cùng chung chia vui buồn, sướng khổ trong kiếp con người, Ngài đã hy sinh tính mạng để cứu chuộc con người và đã sống lại để đem sự sống mới cho nhân loại. Vì thế, Chúa Giêsu muốn mỗi người dành cho Ngài và dành cho nhau một tình yêu thương đặc biệt, bởi mỗi người chúng ta đều thuộc về Chúa và cũng thuộc về nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện tình yêu theo hai chiều: chiều dọc là tình yêu, là tương quan ta dành cho Chúa và Chúa dành cho ta; chiều ngang là tình yêu ta dành cho tha nhân và ngược lại. Tình yêu theo chiều dọc và chiều ngang đan xen vào nhau làm nên hình ảnh cây thập giá, là khuôn mẫu và là biểu tượng của tình yêu đến cùng và sự tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một khuôn mẫu và tiêu chuẩn của tình yêu thương: Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Chúa Cha đã yêu mến Chúa Giêsu bằng tình yêu Cha - Con ruột thịt, vì chính Chúa Con là con ruột của Chúa Cha, được sinh ra từ cung lòng Chúa Cha. Nếu như cha mẹ trần gian yêu thương con mình như thế nào, thì Thiên Chúa cũng yêu thương con mình như vậy và còn hơn như vậy nữa. Vì con người vẫn luôn bị giới hạn, kể cả trong tình yêu, còn nơi Thiên Chúa thì tất cả là vô hạn, do đó tình yêu Chúa Cha dành cho Chúa Con cũng là một tình yêu vô hạn, không thể so sánh. Tình yêu nơi Chúa Cha và Chúa Con trở thành khuôn mẫu để Chúa Giêsu yêu thương con người chúng ta: Thầy cũng yêu anh em như vậy.
Chúa Giêsu đã yêu thương mỗi chúng ta theo khuôn mẫu vô hạn của Thiên Chúa và theo cách thế của con người, vì Chúa Giêsu cũng mang một trái tim và những cảm xúc của con người. Ngài đã yêu thương chúng ta qua việc miệt mài giảng dạy, hướng dẫn để giúp con người tránh xa con đường sự chết, chỉ cho ta con đường đem tới hạnh phúc và sự sống đời đời. Chúa yêu chúng ta qua việc cảm thông, tha thứ và nâng chúng ta trỗi dậy mỗi khi ta vấp ngã. Ngài yêu thương đến độ trao ban Máu Thịt Mình làm của ăn, làm lương thực đem lại sự sống cho chúng ta và cuối cùng là chấp nhận đau khổ và cái chết trên thập giá để cứu chuộc, giải thoát ta khỏi sự trói buộc của ma quỷ và sống lại để đem lại sự sống cho chúng ta.
Vì yêu nhân loại nên không bao giờ Chúa Giêsu có thể từ bỏ chúng ta, Ngài muốn chúng ta luôn ở trong trái tim, trong vòng tay yêu thương bảo vệ của Ngài. Tuy nhiên, Chúa cũng không thể bắt ép ta yêu Ngài, Chúa muốn ta yêu Chúa bằng sự tự do và tự nguyện. Một khi đã yêu Chúa thì đồng thời phải ở lại với Chúa và tuân giữ giới răn của Chúa: Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy. Như thế, việc ở lại trong Chúa và tuân giữ giới răn của Chúa là cách thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Ở lại với Chúa là thế nào? Như chúng ta đã suy niệm những tuần trước, ở lại trong Chúa tức là thiết lập một nếp sống gắn bó mật thiết với Chúa, đón nhận tình yêu và sự sống từ nơi Chúa như cành liền cây. Chúng ta không thể ở lại cách thụ động, nhưng phải là sự liên kết tích cực, tức là phải trổ sinh hoa trái đó là những việc bác ái yêu thương. Ở lại trong Chúa là ở trong vòng tay, trong sự thân tình và ở trong sự hiện diện của Chúa, như đứa bé chơi đùa dưới sự quan sát, bảo vệ của cha mẹ. Khi ở gần, ở trong tình yêu thương, sẽ có thể hiểu được nhau; cũng vậy, ở lại trong Chúa là cố gắng mỗi ngày để hiểu về Chúa hơn, biết về Chúa nhiều hơn và gắn bó với Chúa cách chặt chẽ hơn, bởi đó chính là điều Chúa luôn mong đợi.
Việc làm thứ ba, Chúa muốn ta thể hiện tình yêu bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa: Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở đây, Chúa Giêsu không hề đưa ra những đòi hỏi chi tiết, nhưng Ngài đã tóm kết các giới răn của Ngài trong một đòi hỏi duy nhất: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Tại sao Chúa lại muốn chúng ta yêu thương nhau? Thưa, không cha mẹ nào muốn thấy con cái, anh em giận hờn thù ghét nhau, nhưng muốn con cái yêu thương nhau trong tình ruột thịt. Chúa cũng muốn ta yêu anh em như thế, vì nhờ ơn của Bí tích Rửa tội qua Mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta được trở nên thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Cho dù có khác biệt về chủng tộc, màu da, vùng miền, nhưng chúng ta thực sự là anh em con cùng một Chúa, một Cha. Chúng ta không yêu thương anh em cách chung chung, nhưng được mời gọi yêu thương cách cụ thể như chính Chúa đã yêu thương chúng ta.
Bài đọc một sách Công Vụ Tông đồ đã giới thiệu cho chúng ta mẫu gương: Tuân giữ, yêu mến và ở lại trong Chúa của các tông đồ và Giáo Hội sơ khai. Ông Phêrô đã thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc miệt mài rao giảng về Chúa Giêsu cho mọi dân tộc. Ông tuy là một người Do Thái, nhưng đã dám bỏ qua những ràng buộc, giới hạn của người Do Thái, để bước đến với anh chị em dân ngoại, yêu thương và đem Tin Mừng ơn cứu độ cho họ. Ông Phêrô đã thực hiện giới răn yêu thương cách vô hạn theo gương của Thầy và đã chia sẻ: Quả thật, tôi nhận biết rằng, Thiên Chúa không thiên vị người nào. Bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa, ăn ở ngay lành, thì cho dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Để minh chứng cho điều Phêrô tuyên bố, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe Phêrô rao giảng, bất kể họ là người Do Thái hay thuộc các dân tộc khác.
Thưa quý OBACE, như đã nói ở trên, có nhiều Kitô hữu tin Chúa, theo Chúa, nhưng không biết Chúa, không gần Chúa và cũng không thực hành giới răn của Chúa. Một khi người tín hữu không có cuộc sống mật thiết với Chúa, thì cũng không thể yêu mến Chúa, sẽ không muốn ở lại với Chúa và cũng sẽ không tuân giữ giới răn của Chúa. Một đời sống đạo như thế, chỉ là danh nghĩa, là thói quen, là truyền thống mà không có sự kết nối với Đấng mình tin thờ. Nếu chúng ta không thay đổi, làm mới lại tương quan với Chúa mỗi ngày, nếu không muốn ở lại với Chúa và không tuân giữ đòi hỏi của giới răn yêu thương, thì chúng ta cũng không khác gì dân ngoại là những người không biết Chúa.
Lời Chúa hôm nay thực sự là lời nhắc nhở mỗi người hãy rà soát, đánh giá lại mối tương quan của mình với Chúa. Chúng ta sẽ phải thực hiện những đòi hỏi của Lời Chúa hôm nay: Yêu Mến, Tuân Giữ và Ở Lại bằng những việc cụ thể. Mỗi người cần tập thói quen gắn bó với Chúa qua việc chuyên cần cầu nguyện. Cầu nguyện chung trong gia đình và cầu nguyện riêng tư. Chúng ta cũng không cần phải nói gì nhiều vì Chúa thấu hiểu mọi sự, chỉ cần chúng ta luôn nghĩ đến Chúa, nhớ đến Chúa và nhớ đến Lời Chúa nhắc nhở mỗi ngày. Qua siêng năng cầu nguyện, trò chuyện với Chúa, Chúa sẽ ban cho ta lòng yêu mến và giữ ta ở lại trong người.
Kế đến, mỗi người cần tập thói quen siêng năng đọc Kinh Thánh, nghe Kinh Thánh và những lời giải thích của Giáo Hội qua các các giờ kinh tối, nhất là qua thánh lễ mỗi ngày. Nơi thánh lễ, chúng ta được ở lại và ở trong Chúa cách cụ thể khi ta rước Chúa vào tâm hồn; để cho Lời Chúa chạm vào trái tim. Một khi ở lại với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, Chúa sẽ giúp ta sống và thi hành giới răn yêu thương của Chúa là yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, giúp mỗi người chúng ta mạnh mẽ thi hành lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay là: Yêu Mến, Tuân Giữ và Ở Lại trong Chúa, để nhờ thực hiệc cách chuyên cần đòi hỏi này, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu đích thực, tức là những người có Chúa, những người mang Chúa trong cuộc đời. Amen!