Chúa nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !” Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: 1Cr 12,3b-7.12-13
Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
3b Thưa anh em, không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.
4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Đó là lời Chúa.
Ca tiếp liên
Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến trần gian,
tự trời cao gửi xuống
nguồn ánh sáng toả lan.
Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển
và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến !
Đấng ủi an tuyệt diệu
thượng khách của tâm hồn,
ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mát chảy tuôn !
Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gió mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau giọt lệ.
Hỡi hào quang linh diệu,
xin chiếu giãi ánh hồng
vào tâm hồn tín hữu
cho rực rỡ trinh trong.
Không thần lực phù trì
kẻ phàm nhân cát bụi,
thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.
Hết những gì nhơ bẩn,
xin rửa cho sạch trong,
tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.
Cứng cỏi uốn cho mềm,
lạnh lùng xin sưởi ấm,
những đường nẻo sai lầm
sửa sang cho ngay thẳng.
Những ai hằng tin tưởng
trông cậy Chúa vững vàng,
dám xin Ngài rộng lượng
bảy ơn thánh tặng ban.
Nguyện xin Chúa thưởng công
cuộc đời dày đức độ,
ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.
A-men. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng: Ga 20,19-23
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Đó là lời Chúa.
_________________
CHÚA THÁNH THẦN GIÚP GIÁO HỘI RAO GIẢNG VÀ CHỮA LÀNH – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, theo dõi trên các trang mạng gần đây, chúng ta thấy các bạn trẻ thường hay nhắc đến cụm từ “chữa lành và được chữa lành”. Xã hội càng văn minh tiến bộ thì dường như con người càng dễ bị tổn thương. Các vết thương trong tâm hồn đã khiến cho nhiều người phải sống trong đau khổ, dằn vặt vì họ bị tổn thương hoặc đã gây ra tổn thương cho người khác. Có rất nhiều lý do gây tổn thương cho con người như: chiến tranh, sự ác, sự xấu, nghèo đói, bị lạm dụng, bị bóc lột, nạn buôn bán người, bị công kích, bị đánh hội đồng, làm nhục trên mạng và cả những công việc, lối sống ích kỷ vô tâm cũng có thể gây tổn thương cho người khác. Nhưng nguyên nhân chính yếu và quan trọng gây tổn thương cho tâm hồn đó là tình trạng tội lỗi. Tội lỗi gây tổn thương, khiến lương tâm dằn vặt. Các nhà nghiên cứu cho thấy, khi một người có vết thương trong tâm hồn từ nhỏ, lớn lên họ dễ trở thành kẻ gây tổn thương cho người khác.
Vì nhu cầu được chữa lành rất lớn, nên nhiều nghiên cứu, nhiều phương pháp chữa trị tâm lý, tâm linh, phương pháp Đông y và cả những dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch chữa lành được đề nghị cho con người, với hy vọng có thể giúp người ta chữa lành tâm hồn. Tuy nhiên, những phương pháp của xã hội ngày nay dường như chỉ giải quyết tạm thời và giải quyết bề nổi, bên ngoài mà không chữa trị được những nguyên nhân bên trong.
Hôm nay cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các bài đọc Lời Chúa cho thấy rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng thúc đẩy và hướng dẫn Giáo Hội thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng yêu thương và đem ơn chữa lành của Chúa cho nhân loại.
Bài đọc sách Công Vụ kể lại sự kiện trọng đại trong ngày Lễ Ngũ Tuần năm ấy, khi các tông đồ và mọi người đang tụ tập với nhau thì Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên họ. Kinh Thánh kể lại bằng những hình ảnh và âm thanh cho thấy cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần thực sự là một cuộc canh tân đổi mới, chữa lành con người và vũ trụ. Lúc các tông đồ đang cầu nguyện thì từ trời phát ra một tiếng động mạnh, có một luồng gió mạnh ùa vào đầy nhà, mở tung các cánh cửa đã bị đóng kín. Luồng gió ấy cũng quét sạch quá khứ sợ hãi, co cụm và thúc đẩy các tông đồ bước ra với thế giới: Ai nấy được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho. Ngay lập tức, các tông đồ được thúc đẩy bước ra với thế giới, nói về Chúa Giêsu phục sinh cho muôn dân, muôn nước tụ tập về Giêrusalem hôm đó. Mọi người thấy sự biến đổi lạ lùng của các tông đồ và một giáo lý mới, một Tin Mừng mới đã được các tông đồ rao giảng. Giáo lý này hoàn toàn khác với giáo lý của Do Thái giáo trước đây và Tin Mừng vĩ đại mà các tông đồ rao giảng đó chính là Tin Mừng Phục sinh. Các tông đồ mạnh dạn rao giảng về Lòng xót thương của Thiên Chúa khi ban cho nhân loại Con của Ngài là Đức Giêsu - Đấng mà người Do Thái đã đóng đinh và giết chết trên thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết; những ai tin vào Đức Giêsu thì đón nhận được Lòng thương xót của Chúa và được đón nhận sự phục sinh của Chúa. Những lời rao giảng này đã khiến cho toàn dân ngỡ ngàng, kinh ngạc vì các tông đồ đã thay đổi hoàn toàn. Từ những con người nhà quê ít học, nay các tông đồ trở nên thông thái uyên bác; từ những con người nhát đảm sợ hãi, bị tổn thương, nay trở nên mạnh dạn hiên ngang. Tất cả sự biến đổi này là do quyền năng và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần mà các ông vừa đón nhận.
Tin Mừng Gioan trình bày cho chúng ta cụ thể hơn về sứ mạng của các tông đồ. Thánh Gioan muốn quả quyết rằng: sứ mạng rao giảng Tin Mừng tình thương và ơn chữa lành của Giáo Hội, qua các tông đồ là do chính Chúa Giêsu Phục Sinh trao phó. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, lúc cửa nhà các môn đệ còn đóng kín vì sợ, thì Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đứng giữa họ và ban cho họ ơn bình an. Với ơn bình an và sức mạnh của Thánh Thần đã chữa lành tâm hồn đang bị sốc, bị tổn thương nơi các ông vì cuộc tử nạn của Chúa. Sau khi chữa lành cho các tông đồ bằng ơn bình an, Chúa cho các ông được gặp gỡ và đụng chạm đến vết thương của Chúa. Kinh nghiệm gặp Chúa Phục Sinh là một kinh nghiệm tuyệt vời đã biến đổi các tông đồ.
Liền sau đó, Đức Giêsu đã tin tưởng và uỷ thác cho các tông đồ sứ mạng: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Sứ mạng này các tông đồ đón nhận từ Thiên Chúa và sẽ phải thực hiện nhân Danh Thiên Chúa. Mệnh lệnh ngắn gọn, nhưng các tông đồ (Giáo Hội) hiểu rằng: các ngài phải thi hành sứ mạng của chính Chúa Giêsu - Thầy mình đã thi hành, đó là đem tình thương, sự chữa lành đến cho thế giới. Các tông đồ sẽ không làm việc cá nhân hoặc thay thế Chúa, nhưng làm việc với Chúa và nhân Danh Chúa, dưới sự thúc đẩy soi sáng, trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhân lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.
Tha thứ là phương thế để chữa lành thể xác và tâm hồn. Như đã nói ở trên, tội lỗi gây tổn thương ghê gớm trong tâm hồn, nó còn gây đổ vỡ các tương quan với Chúa và với mọi người. Quyền năng và ơn tha thứ mà Giáo Hội đem đến cho thế giới, chính là quyền năng bởi Chúa Thánh Thần. Các tông đồ (Giáo Hội) từ đây có bổn phận và sứ mạng yêu thương và chữa lành mọi vết thương nơi thể xác và trong tâm hồn của con người mọi thời đại, qua việc nhân Danh Thiên Chúa để tha thứ tội lỗi cho con người. Việc tha tội, tha thứ này không phải Giáo Hội hoặc thừa tác viên nhân danh cá nhân mình, nhưng nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi và nhờ quyền năng, sức mạnh chữa lành của Thánh Thần. Thiên Chúa đã muốn nhờ môi miệng của các thừa tác viên để tuyên bố lời yêu thương tha thứ: Vậy cha tha tội cho con nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thánh Phaolô giải thích rõ hơn về quyền năng và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội nơi các thừa tác viên và trong từng tín hữu: Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần. Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội, trên thế giới, và Thánh Thần còn hoạt động cách cụ thể và sống động nơi từng tín hữu. Vì thế, thánh Phaolô giải thích: Chỉ có một Thánh Thần, nhưng có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.
Thưa quý OBACE, mệnh lệnh Chúa Phục Sinh uỷ thác hôm nay cho tất cả mọi người trong Giáo Hội không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Tất cả đều đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày rửa tội và được tăng cường sức mạnh trong ngày Thêm sức. Do đó, giống như các tông đồ, chúng ta sẽ phải trỗi dậy khỏi sự khép kín, ù lỳ, lười biếng, để bước đến với những người chung quanh. Chúng ta sẽ không làm gì khác hơn sự uỷ thác của Chúa, là đem Tin Mừng yêu thương và ơn chữa lành của Chúa Thánh Thần đến cho anh chị em.
Chúng ta sẽ bắt đầu trỗi dậy từ trong gia đình, để Chúa Thánh Thần xua đi sự u ám buồn bã, cãi vã, bất hoà và sự lười biếng và nói về tình yêu thương của Chúa cách cụ thể qua những việc làm cho vợ chồng, con cái. Chúng ta cần dùng tình yêu thương và sự tha thứ, cảm thông của Chúa giúp các thành viên được chữa lành vết thương trong tâm hồn vì mặc cảm tội lỗi, bị hắt hủi, bỏ rơi hay bị coi thường. Chỉ có tình yêu chân thành và sự tha thứ không giới hạn mới có thể thực sự chữa lành tâm hồn và giúp người thân ta trỗi dậy mà thôi.
Kế đến, mỗi người cần thi hành sứ mạng yêu thương và chữa lành này cho mọi người ta gặp gỡ tiếp xúc. Đừng ngại ngùng, đừng sợ hãi vì Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta. Hãy bước ra khỏi sự ích kỷ, đam mê, thú vui riêng, để bước đến với người bên cạnh. Cụ thể, là can đảm buông chiếc điện thoại xuống, tắt cái máy tính, để ta có thể thấy, có thể nghe những tiếng cầu cứu của các bạn chung quanh đang cần đến sự yêu thương và chữa lành của ta. Chúng ta cũng dùng quyền năng của Thánh Thần để can đảm nói lời xin lỗi khi mình gây tổn thương cho người khác và tha thứ khi mình bị xúc phạm.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần biến đổi, ban sức mạnh để giúp mỗi người thi hành sứ mạng loan Tin Mừng tình thương cứu độ và ơn tha thứ chữa lành của Chúa đến cho anh chị em. Amen!