Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi, năm B
Bài đọc 1: Đnl 4,32-34.39-40
Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, và ngoài Người ra không có thần nào khác.
Bài trích sách Đệ nhị luật.
32 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất ; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia : có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng ? 33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không ? 34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không ?
39 “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này : trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. 40 Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em ; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.” Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Rm 8,14-17
Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : Áp-ba ! Cha ơi !
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
14 Thưa anh em, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Mt 28,16-20
Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Đó là lời Chúa.
______________________
THIÊN CHÚA BA NGÔI LÀ NGUỒN TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC – Lm. Giuse Đổ Đức Trí
Tình yêu và hạnh phúc là những điều con người luôn khát khao, tìm kiếm, mặc dù không ai có thể định nghĩa được tình yêu là gì, hay hạnh phúc là gì? Dù rằng không thể nhìn thấy, cũng không thể cầm giữ được tình yêu và hạnh phúc, thế nhưng con người lại có thể cảm nhận được hương vị của hạnh phúc và tình yêu trong cuộc sống. Hương vị ấy được biểu lộ ra ngoài bằng nụ cười hay những giọt nước mắt. Có khi ngập tràn hạnh phúc đến nỗi nước mắt tuôn rơi, và có khi môi nở nụ cười nhưng trong lòng cuộn trào nỗi đau. Do đó, nụ cười hoặc nước mắt bên ngoài chưa chắc đã là niềm vui hay là bất hạnh. Vì tình yêu và hạnh phúc là một mầu nhiệm, nên mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau. Con người không thể định nghĩa chính xác được tình yêu và hạnh phúc, nhưng mỗi người đều có thể đọc được tín hiệu yêu thương và hạnh phúc qua biểu hiện của người khác dành cho mình và những cử chỉ mình dành cho người khác.
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu và hạnh phúc, đồng thời là nguồn mạch tình yêu và hạnh phúc của con người. Nếu như con người không ai có thể định nghĩa hoặc cầm giữ được tình yêu, thì chắc chắn con người cũng sẽ không bao giờ có thể hiểu hết về một Thiên Chúa nhưng lại là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mặc dù không thể hiểu Thiên Chúa bằng lý luận, không thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt phàm trần, nhưng chúng ta lại có thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng cái nhìn của đức tin và nhận ra những dấu chỉ cùng hành động yêu thương mà Thiên Chúa vẫn không ngừng bày tỏ cho con người.
Bài đọc một sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê mời gọi dân Israel nhìn lại chiều dài của dòng lịch sử, để nhận ra quyền năng và hoạt động của Thiên Chúa trên dân tộc của họ. Qua những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, từ thưở xa xưa khi tạo dựng nên trời đất muôn loài, người Do Thái nhận ra Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt trên mọi thần linh của dân ngoại. Qua việc Thiên Chúa dẫn đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, hiện ra cùng ông Môsê trên núi Sinai, ban lề luật cho Israel càng cho thấy không ai, không thần linh nào có thể sánh bằng Thiên Chúa. Cùng với việc giúp dân nhìn lại công cuộc tạo dựng và giải thoát của Thiên Chúa, ông Môsê còn cho thấy Thiên Chúa là vị Thiên Chúa yêu thương. Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã tuyển chọn Israel làm dân riêng, đã yêu thương và chăm sóc cho Israel như người mẹ chăm lo cho con mình và đã bảo vệ Israel như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Nhắc lại những điều đó, Môsê mời gọi Israel bày tỏ lòng biết ơn và yêu mến Thiên Chúa bằng việc trung thành với giới răn lệnh truyền của Chúa và còn phải truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời sau.
Bài Tin Mừng nhắc lại mệnh lệnh sau cùng và cũng là mệnh lệnh cấp bách Chúa trao cho các môn đệ và Giáo Hội: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Do đó, niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trở thành nội dung chính yếu và quan trọng nhất trong lời rao giảng và làm chứng của Giáo Hội. Việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ là giúp họ tin và đón nhận Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng tuân giữ các giới răn và lệnh truyền của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Ngày nay, khi tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta không chỉ nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vũ trụ và trong lịch sử, nhưng còn nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi ngay trong chính cuộc đời của mình. Nếu như truyền thống vẫn quy việc tạo dựng cho Thiên Chúa Cha, thì chúng ta cũng có thể nhận ra quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa nơi cuộc đời mình. Thiên Chúa làm chủ sự sống, mọi sự sống trong vũ trụ đều bởi Thiên Chúa. Kinh Thánh diễn tả, khi trao ban sự sống cho con người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào lỗ mũi, thì ngày nay Thiên Chúa vẫn thổi sinh khí của Ngài trên từng người chúng ta. Qua cha mẹ, Thiên Chúa đã thổi sinh khí của Ngài để mỗi người được hình thành trong cung lòng của người mẹ. Khi mở mắt chào đời, một lần nữa Thiên Chúa lại thổi sinh khí của Người vào mũi, để ta được hít thở hơi thở đầu tiên trong vũ trụ của Thiên Chúa. Thiên Chúa còn dùng đôi tay và trái tim của người mẹ, người cha để tiếp tục yêu thương và làm cho sự sống mà Người đã ban tặng được lớn lên, được chăm sóc và được yêu thương.
Việc cứu chuộc nhân loại là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng theo truyền thống vẫn được quy về cho Chúa Con; vì thế mỗi người vẫn đang được Chúa Con yêu thương cứu chuộc. Ngay từ khi lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta đã đón nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, được xoá bỏ dấu vết của nguyên tội, được chuộc về làm con Thiên Chúa và trở nên thành viên trong đại gia đình của Người. Với sự yếu đuối của thân phận con người, Thiên Chúa vẫn liên tục cứu chuộc chúng ta và ban ơn tha thứ qua Bí tích Giải tội. Chúng ta được tẩy rửa nên trong sạch nhờ máu của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá và trở nên con người mới nhờ sự phục sinh của Người. Chúng ta còn nhận ra sự hiện diện và tình thương của Chúa Con cách cụ thể nơi Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích Thánh Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn đang hiện diện cách hữu hình để nuôi dưỡng, nâng đỡ và trợ giúp mỗi người vượt qua cám dỗ của ma quỷ và thử thách của thế gian, giúp chúng ta vững bước trên hành trình về Quê Trời.
Chúng ta cũng nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mình. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Sức Sống và là Đấng Thánh Hoá, Ngài không ngừng thánh hoá, biến đổi và làm cho trái tim của ta có khả năng yêu thương. Vì thế, khi chúng ta yêu thương anh em là ta mở lòng để cho Chúa Thánh Thần hoạt động và đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta. Tình yêu và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần giúp ta có thể yêu mến Thiên Chúa và yêu mến anh em như Chúa đã dạy. Chúa Thánh Thần còn ban cho chúng ta sức mạnh để ta không sợ hãi trước những thế lực của ma quỷ và thế gian, để ta sống đúng với tư cách là con Thiên Chúa, như thánh Phaolô viết trong thư Rôma: Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó ta được gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi”.
Thưa quý OBACE, mừng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội không cố gắng để giải thích về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng mời gọi mỗi người xác tín, đặt trọn niềm tin của mình vào Thiên Chúa và không ngừng tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi một cách ý thức hơn. Đồng thời, chúng ta được mời gọi suy gẫm, nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Trong khi cầu nguyện, chúng ta thưa chuyện với Thiên Chúa cách chung, nhưng trong từng sự việc chúng ta được mời gọi kêu cầu sự trợ giúp của Ba Ngôi.
Bắt đầu một ngày mới, chúng ta hướng lên Thiên Chúa Ba ngôi bằng việc làm dấu thánh giá và dâng lên Chúa Cha tâm tình cảm tạ vì một ngày sống mới Thiên Chúa ban tặng, đồng thời cầu xin cho chúng ta sống trọn một ngày với tâm tình biết ơn và sẵn sàng vâng phục ý Chúa. Kế đến, chúng ta đến với thánh lễ mỗi ngày để nghe Đức Giêsu nói qua Tin Mừng của Chúa, ghi nhớ Lời Chúa như lời nhắc bảo và đón nhận Thánh Thể Chúa làm lương thực cho mỗi ngày sống của mình. Trong mỗi ngày sống, trước mỗi công việc, mỗi quyết định, chúng ta nài xin sự trợ giúp và soi sáng của Chúa Thánh Thần, xin Thánh Thần chỉ cho ta biết việc phải làm và khi làm, xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn và giúp ta hoàn tất công việc theo như ý Chúa.
Và cuối ngày, chúng ta cùng với cả gia đình xum họp trước bàn thờ hoặc tại nhà thờ, để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi đã cho gia đình một ngày bình an, đã trợ giúp từng người hoàn tất công việc và phó dâng tất cả vui buồn, thành công, thất bại trong ngày cho Thiên Chúa. Cùng kết thúc một ngày sống bằng việc tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi qua dấu thánh giá: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.
Khi sống và thực hành như thế, chúng ta sẽ nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi qua từng giây phút trong cuộc đời. Đồng thời, khi sống mỗi ngày trong tình yêu và sự tin tưởng như thế, Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ làm cho gia đình đình mỗi người trở nên giống gia đình Ba Ngôi của Thiên Chúa tràn đầy sức sống, tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Amen!