Chúa nhật V Phục Sinh, năm B
Ông Ba-na-ba tường thuật chuyện ông Sao-lô được thấy Chúa hiện ra trên đường.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
26 Hồi ấy, khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. 27 Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. 28 Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. 29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. 30 Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.
31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: 1Ga 3,18-24
Đây là điều răn của Chúa: Chúng ta phải tin và phải yêu thương nhau.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
18Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
19Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng
chúng ta đứng về phía sự thật,
và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa.
20Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta,
Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta,
và Người biết hết mọi sự.
21Anh em thân mến,
nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta,
chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa.
22Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho,
bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người
và làm những gì đẹp ý Người.
23Đây là điều răn của Người : chúng ta phải tin
vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người,
và phải yêu thương nhau,
theo điều răn Người đã ban cho chúng ta.
24Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa
thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,
đó là nhờ Thần Khí,
Thần Khí Người đã ban cho chúng ta. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 15,1-8
Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.” Đó là lời Chúa.
____________________
GẮN BÓ NHƯ CÀNH LIỀN CÂY – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Trong dịp tết vừa qua, nhiều người đã bị lừa vì mua phải cây sung, cây táo, cây bưởi được gọi là cây 502. Nhìn bề ngoài đó là những cây có rất nhiều trái, mặc dù được trồng trong chậu nhỏ, nhưng cành lá, hoa trái sum suê. Nhưng mua về được vài ngày, chưa kịp chưng tết, thì đã có dấu hiệu vàng lá, rụng quả. Sau đó mới phát hiện, cây là cây thật, cành là cành thật và quả cũng là quả thật, nhưng nó được gắn vào cây vào cành một cách tinh vi bằng keo 502. Những cành, những quả này sau một vài ngày không đón nhận được dinh dưỡng, nước từ thân cây sẽ úa vàng khô héo.
Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc trò chuyện thân tình của Chúa Giêsu với các môn đệ, Chúa bày tỏ lòng khao khát giữ mãi mối dây liên hệ yêu thương với các môn đệ qua lời mời gọi: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và gắn bó đời mình với Chúa như cành nho gắn liền với cây nho. Sự gắn kết với Chúa cho ta đón nhận nhựa sống nuôi dưỡng và trong dòng dinh dưỡng ấy còn là tình yêu thương của Chúa, máu thịt sự sống được thông truyền cho con người.
Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Hình ảnh cành liền cây là hình ảnh dễ hiểu, giúp ta hình dung đến mối liên hệ không thể tách rời giữa mỗi người với Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và trao ban cho con người sự sống thần linh của Ngài. Kể từ đó, con người luôn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Sự lệ thuộc này không làm giảm giá trị của con người, cũng không biến con người thành nô lệ cho Thiên Chúa, nhưng là sự thông truyền sự sống, như không khí cần cho sự sống của con người và vũ trụ. Sự lệ thuộc gắn bó với Thiên Chúa còn làm gia tăng phẩm giá của con người. Vì, từ bụi đất Thiên Chúa đã trao cho con người sự sống, không phải sự sống của cây cỏ, mà là sự sống của con người giống hình ảnh của Thiên Chúa và còn được nhận làm con Thiên Chúa.
Sự gắn kết này được Chúa Giêsu dùng bằng một từ khác đó là ở lại. Như thai nhi ở trong dạ mẹ, như con cái ở lại trong vòng tay của mẹ cha, như đôi bạn trẻ yêu nhau ở bên nhau, thì lời mời gọi: Hãy ở lại trong Thầy, có nghĩa là ở lại trong tình yêu, trong trái tim, trong tâm hồn và trong mọi việc làm của nhau. Nói cách khác, ở lại trong nhau là luôn hiện diện trong từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim và từng hành động của nhau. Chúa cũng muốn mỗi chúng ta để cho Chúa ở lại trong tâm hồn như thế. Hơn nữa, với việc Chúa trao ban máu thịt làm lương thực cho nhân loại, Chúa muốn ở lại thực sự trong tâm hồn mỗi người. Như của ăn nuôi dưỡng cơ thể, Chúa chấp nhận chuyển hoá thành dinh dưỡng để đi đến từng đường gân thớ thịt, từng tế bào trong con người để nuôi dưỡng, ban sức mạnh cho con người và giúp cho con người trổ sinh hoa trái thần linh, hoa trái sự sống: Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
Cũng trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nhấn mạnh: Ai không sinh hoa trái, thì bị chặt đi và quăng ra ngoài; Ai không ở lại trong Thầy thì bị khô héo và bị quăng vào lửa. Điều này cho thấy, một khi đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, được gắn kết với Ngài, chúng ta không thể không sinh hoa trái. Tức là chúng ta không thể đón nhận sự sống, tình yêu từ Chúa Giêsu mà lại để cho cuộc đời của mình trở nên èo uột, hoặc chỉ ra lá mà không kết trái. Một khi cuộc đời Kitô hữu mà không sinh những hoa thơm trái ngọt, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị cắt bỏ. Đàng khác, nếu chúng ta chỉ gắn bó với Chúa cách hời hợt, không đón nhận sức sống và dinh dưỡng từ nơi Chúa, để cho cuộc đời mình trở nên vàng vọt, nghèo nàn, khô héo, thì cũng bị chặt bỏ và quăng vào lửa.
Có người đặt vấn đề: Tại sao tôi vẫn gắn bó với Chúa bằng việc cầu nguyện, dâng lễ, lãnh các bí tích, mà tôi cứ gặp toàn những khó khăn? Chúa Giêsu trả lời cho thấy: những cành nho gắn liền với thân nho và vẫn đang sinh hoa trái, thì Thiên Chúa Cha là chủ vườn, vẫn muốn tỉa cành, vặt lá để cho nó sinh nhiều trái hơn. Tức là, việc vặt lá tỉa cành đó là để cho cành đó trở nên sung mãn hơn, sinh nhiều hoa trái hơn nữa. Điều này chúng ta thấy rõ ràng nơi con người và cuộc đời của Phaolô và các tông đồ. Từ một cành cây hoang dại, hung hăng, Saolô được tháp nhập vào Chúa Kitô để trở nên một Phaolô nhiệt thành gắn bó với Chúa Giêsu đến nỗi ông tâm sự: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Cũng ở nơi Phaolô, Thiên Chúa không ngừng cắt tỉa, vặt lá cuộc đời ông. Có lẽ hơn nhiều tông đồ khác, ông đã phải trải qua một cuộc đời đầy sóng gió, thử thách, bị bắt bớ, đánh đòn, ném đá, bị người đồng hương xỉ nhục, nghi ngờ, loại trừ, ông đã bôn ba khắp nơi để loan báo Tin Mừng và thành lập các giáo đoàn. Trong tất cả những khó khăn, thử thách, thành công, thất bại ấy, Phaolô vẫn xác tín rằng: Trong tất cả mọi sự, tôi làm là vì Danh Chúa Giêsu Kitô.
Thưa quý OBACE, vấn đề là: Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái nào? Thưa, bài đọc hai trong thư của Thánh Gioan trả lời cho chúng ta biết: Thiên Chúa muốn chúng ta sinh hoa trái là tình yêu thương. Tình yêu thương là hoa thơm, là trái ngọt có thể trổ sinh suốt bốn mùa, được Thiên Chúa yêu thích và mọi người, mọi dân tộc và toàn nhân loại đều có thể đón nhận và hưởng nếm. Tình yêu thương này là tình yêu thương hai chiều: Yêu Chúa và yêu anh chị em. Tình yêu này là một tình yêu cụ thể chứ không phải là lý thuyết: Chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Cũng theo thánh Gioan: Chúng ta yêu anh em thật sự, thật lòng, thì chúng ta thuộc về sự thật, mà sự thật đích thực là Thiên Chúa. Khi chúng ta yêu nhau thật lòng thì chúng ta dễ dàng đến với Thiên Chúa, gặp được Thiên Chúa và là người tuân giữ giới răn của Thiên Chúa. Mà ai giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa. Chúng ta được ở lại trong Thiên Chúa và có Chúa ở lại trong chúng ta khi chúng ta loại trừ khỏi mình tình trạng tội lỗi, đón nhận ơn tha thứ của Chúa qua Bí tích Giải tội, gặp gỡ Chúa mỗi ngày trong thánh lễ, cầu nguyện, nghe Lời Chúa và được đón rước Chúa vào tâm hồn. Sống như thế là ta đang gắn mình vào thân nho là Đức Giêsu và chắc chắn Chúa sẽ làm cho chúng ta trổ sinh hoa trái yêu thương trong cuộc đời.
Các bậc cha mẹ sẽ phải làm cho từng thành viên và cả gia đình được gắn bó với thân nho là Đức Giêsu, để gia đình mình trở thành một cành nho sum suê hoa trái của tình yêu thương, của nụ cười và hạnh phúc. Để có được hoa trái yêu thương hạnh phúc cho gia đình, cha mẹ và con cái cần tháp nhập mình vào Chúa Giêsu qua việc đón nhận Lời Chúa mỗi ngày trong giờ kinh sớm tối của gia đình, bằng việc mỗi người chuyên chăm đến với Chúa và cầu nguyện riêng tư mỗi ngày, dành cho nhau những lời nói yêu thương, những cử chỉ cảm thông và những việc làm khích lệ, động viên nhau. Nhất là khi cả gia đình đến với Chúa qua thánh lễ, rước lễ và đem Chúa về gia đình; để cho Chúa hiện diện trong bữa cơm, trong công việc của gia đình, Chúa sẽ làm cho gia đình trổ sinh hoa trái hạnh phúc.
Nhiều bạn trẻ đang gắn cuộc đời mình với Chúa Giêsu chỉ là hình thức như cây gắn bằng keo 502 nói ở trên, tức là chỉ mang danh là có đạo, nhưng không phải là Kitô hữu vì không có Chúa trong cuộc đời, do đó không đón nhận được sức sống của Chúa. Nhiều bạn chỉ lo gắn cuộc đời mình vào học hành, công nghệ, điện thoại, công việc và các thứ khác, khiến các bạn không còn ý thức mình được mời gọi gắn tuổi trẻ và cuộc đời mình vào thân nho là Chúa Giêsu. Nhiều bạn trẻ ngại ngần cầu nguyện, nhiều người đã lâu không xưng tội, không rước lễ; nhiều bạn đến với Chúa cũng chỉ đứng, ngồi từ xa xa. Các bạn nhớ rằng: một khi xa Chúa, cuộc đời các bạn sẽ trở nên khô héo, vô nghĩa, vô dụng; khi không có Chúa, các bạn sẽ không làm được gì. Khi theo Chúa chỉ từ xa xa, các bạn sẽ dễ dàng bị ma quỷ và những thói xấu của xã hội vồ lấy và nhấn chìm cuộc đời các bạn. Là người trẻ Công Giáo, các bạn đừng ngại đến với Chúa, sống thân tình với Chúa. Chúa không biến các bạn thành những con người cổ lỗ quê mùa, Chúa cũng không lấy đi tuổi trẻ và bất cứ điều gì của các bạn, Chúa chỉ ban thêm và trợ giúp các bạn sống đầy tràn tuổi trẻ của mình và giúp các bạn sinh nhiều hoa trái yêu thương, tươi trẻ cho cuộc đời.
Xin Chúa giúp mỗi người sống gắn bó cuộc đời mình với Chúa Giêsu qua cầu nguyện và đón nhận nguồn dinh dưỡng từ Lời của Chúa và Thánh Thể mỗi ngày, để cuộc đời ta có thể trổ sinh hoa trái yêu thương cho cuộc sống. Amen!