Chúa nhật II Phục Sinh, năm B
Các tín hữu chỉ có một lòng một ý.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: 1Ga 5,1-6
Mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
1Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa :
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
3Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta.
5Ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa ?
6Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 20,19-31
Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. Đó là lời Chúa.
__________________
LAN TỎA LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều đau khổ, bạo lực. Sự ác, sự xấu dường như lan tràn rất nhanh và gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người. Nó có thể dễ dàng biến một người hiền hoà, tốt lành trở thành kẻ hung ác. Từ đó, khiến chúng ta có cảm tưởng rằng trong xã hội này, sự xấu và cái ác xảy ra nhiều hơn điều lành điều tốt. Là những Kitô hữa - con cái của Thiên Chúa, chúng ta không thể làm ngơ trước sự xấu sự ác. Không chỉ xa tránh, ngăn chặn điều xấu, chúng ta còn có bổn phận phải làm những điều tốt và làm cho tình yêu thương được lan toả đến mọi người mọi nơi trong xã hội. Đó là sứ mạng của mỗi người tín hữu. Điều này chính Chúa Giêsu đã làm và kế tiếp Ngài, các môn đệ của Chúa và mọi thành viên trong Giáo Hội phải thực hiện liên tục mỗi ngày.
Tuần thứ II Phục Sinh, Giáo Hội chọn để cử hành và tôn vinh Lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy tình yêu thương hay còn gọi là Lòng thương xót đã khởi nguồn từ Chúa Giêsu và được tiếp tục lan toả trong Giáo Hội.
Bài Tin Mừng kể lại hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, một lần hiện ra chung và một lần dường như tập trung vào tông đồ Tôma. Cả hai lần này, Tin Mừng đều cho thấy tình yêu của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ, không phải là một tình yêu chung chung nhưng là sự quan tâm đến tình trạng, hoàn cảnh của từng người.
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ trong khi các ông đang sợ hãi, hoảng loạn vì cái chết của Thầy và vì sự quá khích của người Do Thái. Các ông lẩn trốn trong nhà và đóng kín mọi cánh cửa. Đây chính là hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp của các tông đồ. Các ông như con mất cha, như trò mất thầy, rơi vào hoảng loạn, sợ hãi. Các ông không chỉ đóng kín cửa nhà, mà còn đóng kín cả tâm hồn vì mất niềm vui, mất hy vọng bởi cái chết của Thầy. Tâm hồn của các ông bị chôn chặt, đè nặng bởi sợ hãi, mặc cảm và mất phương hướng. Chúa Giêsu đã thấu hiểu hoàn cảnh và tâm trạng các học trò của mình, vì thế, ngay buổi chiều ngày phục sinh, Chúa đã hiện ra với các ông. Món quà đầu tiên Chúa đem đến cho các ông sau khi phục sinh, đó là ơn bình an: Chúa đứng giữa các ông và nói: Bình an cho các con. Với món quà bình an này, chắc chắn Chúa đã phá tan những lo âu, sợ hãi trong tâm hồn các tông đồ. Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Chúa như người cha ra trận trở về, mặc dù mang thương tích, nhưng những thương tích đó lại là những dấu vết, chứng tích của tình yêu thương, nay gặp lại con cái, khiến con cái vô cùng vui mừng: Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Liền sau đó, Chúa trao cho các môn đệ sứ mệnh tiếp tục làm cho tình yêu thương của Chúa và Tin Mừng Phục Sinh được lan toả đến cho thế giới: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Mặc dù Chúa không nói cụ thể sai các ông đi làm việc gì, đến với ai, nhưng trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rằng: Chúa sai các ông đến với những anh chị em chung quanh, đem tình yêu thương, sự thấu cảm của Chúa đến cho những người đang có cùng cảnh ngộ như các ông. Đó là những người đang đau khổ vì mất người thân, những người sống trong sợ hãi, mất niềm vui, hy vọng và mất định hướng cho tương lai, những con người đáng thương, bị bỏ rơi. Chúa Phục Sinh còn thổi hơi và ban Thánh Thần là sức mạnh, là tình yêu ở với các ông, để qua các ông, Thánh Thần sẽ thực hiện việc tha thứ, chữa lành và phục hồi cho nhân loại: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha.
Lần hiện ra thứ nhất, Chúa phục hồi, chữa lành tâm hồn các tông đồ. Tám ngày sau Chúa hiện ra lần thứ hai. Lần này dường như Chúa quan tâm đặc biệt đến một tâm hồn bị tổn thương trầm trọng hơn, đó là Tôma. Ngoài những tổn thương như các môn đệ khác, Tôma không hiểu vì lý do gì đã tách lìa khỏi anh em tông đồ. Anh không chỉ rời vào cảnh cô đơn lạc lõng với anh em khác, mà dường như còn bị lạc lõng trong đức tin. Trong khi anh em đã tin và sống niềm vui Phục sinh, thì anh vẫn cố chấp: Nếu tôi không xỏ tay vào lỗ đinh... thì tôi không tin. Chính vì không liên kết gắn bó với anh em tông đồ, nên anh không dễ dàng đón nhận Tin Mừng Phục Sinh từ các anh em. Điều này làm cho anh day dứt và đau khổ hơn trong tâm hồn, vì như bị lạc lõng bơ vơ ngay giữa anh em trong một nhà với nhau. Thấu cảm được nỗi khổ của Tôma, Chúa Giêsu Phục Sinh đã dành sự ưu ái đặc biệt cho Tôma. Chúa hiện ra lần thứ hai và gọi đích danh Tôma. Chúa cho ông được chạm vào Con Người Phục Sinh của Ngài và còn được chạm vào trái tim yêu thương của Chúa khi gọi ông: Con hãy xỏ tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy. Khi được chạm vào tình thương của Chúa, Tôma đã được biến đổi nên con người mới. Anh phấn khởi tuyên xưng: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.
Thực hiện mệnh lệnh sai đi của Chúa Phục Sinh, các tông đồ đã không còn co cụm trong căn phòng đóng kín nữa, nhưng đã đến với muôn dân để đem Tin Mừng Phục Sinh, niềm an ủi, tình yêu thương đến với những tâm hồn đau khổ. Sách Công Vụ cho thấy một khung cảnh mới, bầu khí mới đã diễn ra nơi các cộng đoàn của các tông đồ: Các tín hữu trở nên một lòng một ý… và để mọi sự làm của chung. Những người đón nhận Tin Mừng Phục Sinh đã không còn quan tâm đến cái riêng, nhưng luôn nghĩ đến anh em và quan tâm đến mọi người. Tình thương của Thiên Chúa được lan toả đến mọi người qua đời sống bác ái yêu thương của họ. Các tông đồ trở nên mạnh dạn làm chứng về Chúa Phục Sinh, còn các tín hữu thì sống quan tâm yêu thương lẫn nhau như người ruột thịt: Vì thế trong cộng đoàn không còn ai phải thiếu thốn. Điều này cho thấy Lòng thương xót khởi nguồn từ Chúa Phục Sinh, nay được lan toả đến cho thế giới qua các tông đồ và các tín hữu.
Thưa quý OBACE, mỗi người chúng ta đều đã đón nhận Tin Mừng Phục Sinh từ Giáo Hội, chúng ta cũng được đụng chạm đến Chúa Phục Sinh mỗi ngày qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể; được Chúa chữa lành các tổn thương thể xác và trong tâm hồn, đồng thời cũng được Chúa ban Thánh Thần và sai đi. Vì thế, mỗi người cần phải tiếp nối sứ mạng Chúa trao là đem Lòng thương xót của Chúa đến với tâm hồn những người đang bị đau khổ, thất vọng, bị lạc lõng, bỏ rơi, giúp họ cũng chạm được Chúa, nhận ra tình yêu và ơn cứu độ của Chúa.
Chúng ta sẽ bắt đầu sứ mạng này từ trong gia đình. Có nhiều gia đình đang có những người cha, người mẹ hoặc vợ, chồng, con cái, bị bỏ rơi lẻ loi trong gia đình, không được quan tâm, không được yêu thương. Họ đang phải sống như kẻ xa lạ hoặc như kẻ ở trọ ngay trong gia đình của mình. Đó là những thành viên đáng thương vì bị hắt hủi, bỏ rơi. Chúng ta sẽ phải làm sao để cho mọi thành viên trong gia đình cảm thấy mình thực sự là một thành viên của gia đình, được yêu thương, được đón nhận, được thấu cảm và được tha thứ. Chúng ta sẽ phải đem tình thương của Chúa đến cho những người thân ấy, qua việc bước đến với họ, gọi tên họ, đưa tay ra với họ và đừng ngại bày tỏ tình yêu thương với nhau cách cụ thể.
Chúng ta được sai đến với những người chung quanh, nhất là những người nghèo đói, bị quên lãng, những người đang chán nản, mất niềm tin, hy vọng vào tương lai, vào cuộc sống và mất cả niềm tin, hy vọng vào chính bản thân mình. Chúng ta sẽ phải đến với họ bằng sức mạnh và tình yêu thương mà Chúa Phục Sinh đã trao ban nhờ Chúa Thánh Thần. Đừng bao giờ để mình trở thành kẻ vô tâm vô cảm đối với anh chị em bạn hữu chung quanh, nhưng hãy chủ động bước đến. Hãy cho nhau một lời khích lệ, một cái nhìn hoặc nụ cười cảm thông, bằng việc đưa tay ra để giúp họ chỗi dậy và bước đi, tìm lại được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống.
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang để cho tâm hồn của mình chai cứng, vì ảnh hưởng bởi khoa học, bởi thực nghiệm và sự cố chấp, kiêu ngạo của mình, khiến họ từ chối Thiên Chúa và Mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài. Do đó, họ xa rời Giáo Hội và cộng đoàn. Họ là những người đáng thương như Tôma ngày xưa. Trước những con người như thế, chúng ta sẽ phải trở thành hiện thân của Chúa Phục Sinh để đến với họ, giúp họ chạm được Lòng thương xót của Chúa qua đời sống và cách cư xử của mỗi chúng ta.
Xin Chúa Phục Sinh biến đổi và làm cho mỗi người Công Giáo trở nên hiện thân Lòng thương xót của Chúa cho mọi người chung quanh. Để qua cách sống của chúng ta, những người khác cũng sẽ gặp được Chúa Phục Sinh. Amen!