Chúa nhật V Mùa Chay, năm B
Ta sẽ lập một giao ước mới, và không còn nhớ đến lỗi lầm của dân Ta nữa.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
31 Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, 32 không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập ; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. 33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. 34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia : “Hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Hr 5,7-9
Đức Ki-tô đã học biết thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
7 Thưa anh em, khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 12,20-33
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
20 Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng : “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.
27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” 30 Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào. Đó là lời Chúa.
_______________________
BIẾN ĐỔI NÊN CON NGƯỜI MỚI – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Khi sử dụng đồ đạc, trang phục, xe cộ và các phương tiện khác, ai cũng thích sử dụng đồ mới. Cuộc sống xã hội, gia đình, cá nhân dần hình thành nên thói quen loại bỏ những cái cũ lỗi thời, lỗi mốt để mua sắm và sử dụng những cái mới. Để đáp ứng nhu cầu này, các ngành kinh doanh sản xuất phải liên tục đưa ra thị trường những mẫu mã mới. Ví dụ: Chỉ trong vòng 10 năm, hãng Apple đã đưa ra thị trường đến Iphone 15. Mỗi lần ra mẫu mới, dù đắt đỏ, nhưng người tiêu dùng vẫn xếp hàng thâu đêm để mua. Tuy nhiên, có điều ngược lại là trong khi người ta thích đồ mới, nhưng lại không muốn làm mới con người của mình, không muốn update (cập nhật) nâng cấp con người của mình. Người ta vẫn để cuộc đời của mình hoạt động bằng một hệ thống suy nghĩ cũ kỹ, con người, giao diện, thói quen, tư cách lỗi thời không còn phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống nhất là không còn thích hợp với đòi hỏi của Tin Mừng.
Lời Chúa của tuần thứ V mùa chay hôm nay dẫn chúng ta bước vào một quá trình đổi mới theo hình ảnh của hạt lúa mì được gieo vào lòng đất.
Câu chuyện Tin Mừng kể lại: Trong bầu khí của ngày lễ Vượt Qua, trong đám đông quy tụ về Giêrusalem để mừng lễ, đã có những người Hy Lạp tìm đến với Đức Giêsu. Những người Hy Lạp này là những người gốc Do Thái sinh sống tại Hy Lạp, nay đến ngày lễ họ trở về quê hương tham dự đại lễ. Sống tại Hy Lạp, chắc chắn họ chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hoá và triết học Hy Lạp. Thế nhưng khi về Giêrusalem, họ được nghe một giáo lý mới, một Tin Mừng mới từ Thầy Giêsu. Và Tin Mừng của Chúa Giêsu đã chinh phục họ, vì thế họ đã tìm đến để được gặp Đức Giêsu. Qua thái độ đến tìm gặp Chúa Giêsu, chứng tỏ họ đã từ bỏ suy nghĩ, tư tưởng và lối sống cũ để tiếp nhận một nếp sống mới mà Chúa Giêsu rao giảng.
Tin Mừng không kể chi tiết nội dung cuộc gặp gỡ giữa những người này với Đức Giêsu, nhưng lại cho thấy cảm xúc dâng trào nơi Đức Giêsu khi nghe biết có những người Hy Lạp tìm đến: Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Điều này có nghĩa là sau nhiều năm miệt mài rao giảng Tin Mừng, thì nay đã đến giờ Thiên Chúa muốn; giờ mà muôn dân sẽ tìm đường trở về; giờ mà mọi dân sẽ nhận biết tôn vinh Thiên Chúa; đồng thời cũng là giờ mọi người nhận biết Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, là Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa; là giờ Thiên Chúa sẽ thực hiện cuộc canh tân vĩ đại, biến đổi vũ trụ và con người qua cuộc tử nạn sắp tới của Đức Giêsu.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa mì để nói về cuộc đại canh tân qua cái chết mà Ngài sắp thực hiện: Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Hình ảnh này trở thành một quy luật, một đòi hỏi bắt buộc cho tất cả mọi người, mà Đức Giêsu chính là hạt lúa khởi đầu. Để thực hiện cuộc canh tân vũ trụ và con người, Đức Giêsu như hạt lúa được Thiên Chúa Cha gieo vào thế giới. Ngài không giữ riêng gì cho mình, kể cả phẩm vị của một Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận tự huỷ, mang lấy thân phận con người như chúng ta. Chúa Giêsu còn chấp nhận bị nghiền nát qua hành trình thập giá và chịu chết qua cuộc đóng đinh ghê sợ trên đồi Calvariô.
Thế nhưng, Thiên Chúa đã không để cho Con của Ngài mãi mãi bị cầm tù bởi sự chết, nhưng đã cho Ngài nảy mầm và trỗi dậy sau ba ngày bị chôn vùi trong lòng đất. Từ đây mầm sống mới đã nảy sinh, đã trổ bông kết trái đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại cho đến ngày tận thế. Những ai tin Đức Giêsu và cùng đi theo Đức Giêsu trên con đường thập giá, tức là cùng chấp nhận chết đi theo quy luật của hạt lúa mì, thì cũng sẽ được nảy mầm và trổ sinh hoa trái mới. Vì thế, liền sau đó, Đức Giêsu đúc kết: Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Chúa Giêsu mời gọi: Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó…Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy. Điều này có nghĩa là, ai dám chấp nhận bước theo quy luật của hạt lúa mì như Chúa Giêsu, thì sẽ được ở cùng Đức Giêsu và được Chúa Cha yêu mến, quý trọng như Ngài yêu mến Chúa Giêsu.
Đức Giêsu dường như cũng phải trải qua những phút giằng co giữa việc sống theo ý riêng và sống theo ý Chúa Cha. Tác giả thư Do Thái đã diễn tả sự giằng co ấy khi viết: Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van, khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện, nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Vì có lòng tôn kính, Người đã được nhận lời…Người đã trải qua đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Những lời trong đoạn thư Do Thái cho thấy Đức Giêsu đã phải chiến đấu với con người tự nhiên của mình, bắt mình vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Thiên Chúa đã làm cho sự khiêm nhường, yêu mến và vâng phục của Đức Giêsu nảy mầm, đem lại bông hạt cứu độ và mùa màng mới cho toàn thể nhân loại. Trong phần cuối của bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho thấy tâm trạng của Ngài trước đòi hỏi của Thiên Chúa: Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến và biết nói gì. Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha. Bấy giờ có tiếng Chúa Cha: Ta đã tôn vinh Danh Ta và Ta sẽ còn tôn vinh nữa.
Chấp nhận tự hủy, hạ mình, chấp nhận bị mục nát con người cũ để trở nên con người mới, không phải là điều dễ dàng. Với sự yếu đuối của con người tự nhiên: ham sống sợ chết, thích dễ dãi và ngại hy sinh, chúng ta sẽ khó có thể thực hiện đòi hỏi của Chúa, nhưng cùng với ơn Chúa trợ giúp, cùng với sự nâng đỡ đồng hành của Chúa Giêsu chúng ta có thể thực hiện được đòi hỏi này.
Dầu vậy, Chúa vẫn mời gọi và muốn chúng ta bước vào một hành trình đổi mới từng ngày, trổ sinh bông hạt tốt lành, như thế chúng ta mới được vào thế giới mới của Chúa là Nước Trời. Hành trình đổi mới này là hành trình của hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, loại bỏ khỏi mình sự ích kỷ, lối sống hưởng thụ, chỉ biết lo cho bản thân mà không quan tâm đến người bên cạnh. Kế đến là chấp nhận mục nát: mục nát những thói hư tật xấu đã ăn rễ trong cuộc đời như: lười biếng, tham lam, nóng giận; mục nát là loại bỏ khỏi mình những đam mê xấu như: rượu chè, cờ bạc, cá độ, lô đề, nghiện ngập; mục nát còn là kiềm chế bản thân, làm chủ con người mình khỏi lối sống buông thả, khỏi những dục vọng xác thịt. Sau cùng là trổ sinh mầm sống mới, mầm sống mới đó là sự chuyên chăm đến với Chúa, là làm mới lại đời sống đạo qua việc xưng tội, rước lễ, qua việc cầu nguyện và giờ kinh sớm tối. Mầm sống mới còn là những tương quan tốt đẹp với anh chị em thể hiện qua lòng bao dung, quảng đại, tha thứ và dễ cảm thông, chạnh thương.
Các bậc làm cha mẹ sẽ trở thành những hạt lúa âm thầm mục nát mỗi ngày cho con cháu, không chỉ để tìm kiếm của ăn, cái mặc, nhưng là sự hy sinh, là gương sáng và là nếp sống đạo đức để lại cho con. Cha mẹ trở nên hạt lúa mì khi dám hy sinh thú vui, thời giờ riêng để dành giờ cho gia đình và con cái; vì con cái mà hy sinh nhiều hơn, làm gương sáng nhiều hơn, siêng đến với Chúa nhiều hơn và chuyên chăm trong việc tổ chức giờ kinh gia đình hơn. Dám hy sinh và chấp nhận mục nát con người cũ lười biếng, Chúa sẽ biến gia đình thành thửa ruộng sinh nhiều bông hạt tốt lành.
Các bạn trẻ sẽ trở thành nhừng hạt lúa trong gia đình, trong nhà trường, nơi công ty xí nghiệp của mình qua việc sống tinh thần mới, con người mới của Tin Mừng: dám loại bỏ khỏi mình sự hung hăng côn đồ, để sống hiền hoà nhân ái; loại bỏ sự gian dối, để sống ngay thẳng thật thà; loại bỏ những đam mê lôi kéo của xã hội, xác thịt để sống thanh thoát hơn; loại bỏ những mặc cảm và lười biếng, để sống đúng với tư cách là người Công Giáo: siêng năng chăm chỉ. Các bạn còn được mời gọi sống tích cực hơn nữa đó là sinh những hoa trái tốt bằng những việc tốt: yêu thương bác ái, quảng đại, vị tha, nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực, và làm những điều tốt đẹp cho bạn hữu chung quanh.
Xin Chúa giúp mỗi chúng ta dám sống theo quy luật biến đổi của hạt lúa mì để nhờ yêu mến và phục vụ Chúa, chúng ta sẽ trở nên bạn hữu của Chúa, được ở bên Chúa ngay hôm nay và nhất là mãi mãi ở đời sau như Chúa hứa: Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Amen!