Chúa nhật lễ Thánh Gia Thất, năm B
Một kẻ do chính ngươi sinh ra, mới thừa kế ngươi.
Bài trích sách Sáng thế.
15 1 Hồi đó, có lời Đức Chúa phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng : “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi ; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” 2 Ông Áp-ram thưa : “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì ? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát.” 3 Ông Áp-ram còn nói : “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi ; và một gia nhân của con sẽ thừa kế con.” 4 Và đây có lời Đức Chúa phán với ông rằng : “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.” 5 Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán : “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó !” 6 Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.
21 1 Đức Chúa viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa. 2 Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa. 3 Và ông Áp-ra-ham đã đặt tên cho đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông, ông đặt tên là I-xa-ác. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Hr 11,8.11-12.17-19
Đức tin của ông Áp-ra-ham, của bà Xa-ra và của ông I-xa-ác.
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.
8 Thưa anh em, nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. 11 Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. 12 Bởi vậy, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được.
17 Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác ; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. 18 Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo : Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. 19 Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Lc 2,22-40
Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
__________________
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG ĐỨC TIN CỦA GIA ĐÌNH – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, người Việt chúng ta rất tôn trọng truyền thống: truyền thống văn hoá dân dộc, truyền thống văn hoá vùng miền, làng xã và truyền thống gia đình. Ai cũng muốn duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của mình. Bên cạnh những lễ hội mang tính cách cộng đồng làng xã, người Việt cũng rất chú trọng đến truyền thống gia đình. Có những gia đình còn duy trì được truyền thống rất tốt như: truyền thống hiếu học, vượt khó; có gia đình duy trì truyền thống đạo đức, tinh thần phục vụ, truyền thống tông đồ… Nhưng cũng có nhiều gia đình hầu như đánh mất những giá trị truyền thống tốt đẹp, làm cho gia đình mất gốc, mất đi nền tảng đạo đức.
Mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, Lời Chúa cũng cho thấy gia đình Giuse Maria đã duy trì, vun đắp các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Do Thái và đặc biệt đó là truyền thống đạo đức của bản thân và gia đình. Truyền thống đạo đức này đã giúp cho gia đình Giuse Maria vượt qua được những thử thách và giúp họ vẫn mãi thuỷ chung yêu thương nhau.
Bài đọc một cho thấy, Abraham rất lo lắng, trăn trở về việc truyền thống gia đình sẽ bị mai một khi ông đã già mà vẫn chưa có con. Trong lúc ông trăn trở như thế, Thiên Chúa đã cho ông biết rằng, khi ông duy trì được tinh thần đạo đức, khi ông tin tưởng vào Thiên Chúa, đi theo Chúa, thì chính Thiên Chúa sẽ làm cho truyền thống gia đình của ông được trường tồn. Sách Sáng Thế hôm nay kể lại: Lúc ông Abraham đang trăn trở về tương lai của gia đình mình, ông đã đặt vấn đề với Chúa: Lạy Chúa, con trung thành đi theo Chúa, thì con sẽ được gì? Vì con đã già rồi mà vẫn không có con, không có người thừa kế. Ông Abraham còn đưa ra cho Chúa một giải pháp: Nếu Chúa không cho con có con, thì đứa con của đứa đầy tớ sẽ thừa kế sao? Thiên Chúa đã quả quyết với Abraham: Không phải đứa con của kẻ đầy tớ, nhưng chính là con ruột của ngươi mới là kẻ thừa kế. Abraham mặc dù đặt trọn niềm tin nơi Chúa, nhưng thực tế ông đã hơn tám mươi tuổi và vợ ông cũng đã cao niên, cả hai đã qua thời sinh nở, khả năng hai ông bà sinh con quả thật là vượt quá quy luật tự nhiên. Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn khẳng định với ông rằng: Ông sẽ có con nối dõi. Để minh chứng cho lời hứa này, Thiên Chúa còn đưa Abraham ra sân, chỉ lên bầu trời và thề hứa với ông: Dòng dõi ngươi sẽ đông như sao trên trời. Kinh Thánh kể tiếp: Ông tin lời của Thiên Chúa và vì thế, Thiên Chúa kể ông là người công chính. Sau đó, ông bà đã sinh được một người con trai và đặt tên là Isaac.
Tác giả thư Do Thái đã nhìn thấy nơi cuộc đời của tổ phụ Abraham tấm gương của lòng tin và vì duy trì nuôi dưỡng lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, Chúa đã đưa ông vượt qua bao thử thách. Để bảo vệ đức tin của mình và gia đình vào Thiên Chúa khỏi những ảnh hưởng của dân ngoại, ông đã quyết định từ bỏ quê cha đất tổ để lên đường bước đi theo lời mời gọi của Thiên Chúa, đến vùng đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Cũng vì tin, Thiên Chúa đã cho ông bà có được đứa con nối dõi lúc tuổi già, để duy trì truyền thống đạo đức phụng thờ Thiên Chúa. Hơn nữa, Thiên Chúa còn cho ông trở thành tổ phụ của một dân tộc đông như sao trời cát biển. Thiên Chúa lại thử thách ông khi đòi ông dâng Isaac cho Chúa, ông đã sẵn sàng vâng theo vì tin vào lời hứa của Chúa.
Mừng Lễ Thánh Gia - Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse hôm nay, Giáo Hội đề cao truyền thống đức tin của Abraham, đồng thời muốn so sánh và đặt truyền thống đức tin của gia đình Giuse ngang bằng với gia đình của Abraham. Vậy truyền thống đức tin của gia đình Giuse Maria như thế nào?
Tin Mừng Luca đã nêu lên một số sự kiện trong gia đình Giuse Maria để cho thấy Giuse Maria đã duy trì truyền thống đức tin trong gia đình của mình: Đến ngày thanh tẩy, bà Maria và ông Giuse đã đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa như luật đã ghi: Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Thiên Chúa. Đồng thời, bà Maria cũng thực hiện một nghi lễ thanh tẩy sau khi sinh theo luật. Có thể nói, Hài nhi Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đã thuộc về Thiên Chúa từ thuở đời đời, Ngài không cần phải thực hiện nghi lễ này. Nhưng khi được sinh ra như một trẻ Do Thái, Đức Giêsu vẫn được Đức Mẹ và thánh Giuse thực hiện lễ dâng này, đây là truyền thống đạo đức của dân tộc và là sự kiện nhắc nhớ đến việc Thiên Chúa đã cứu thoát các con đầu lòng của người Do Thái khi ra khỏi Ai cập. Cũng vậy, Đức Maria là Thánh mẫu của Đức Giêsu, Mẹ đã được Thiên Chúa thánh hoá và thánh hiến trở nên cung điện cho Con Thiên Chúa cư ngụ, Mẹ không vương mắc một vết nhơ tỳ ố nào. Nhưng Mẹ vẫn tuân thủ quy định của lề luật, thực hiện nghi thức thanh tẩy dành cho các bà mẹ sinh con. Những việc làm này đã cho thấy, mặc dù Maria và Giuse là những đấng thánh, và dù gia đình họ là gia đình mới còn rất nhiều khó khăn, nhưng hai ông bà vẫn chu toàn vuông tròn những truyền thống đạo đức của cả dân tộc và cũng để nuôi dưỡng đời sống đạo đức cho chính gia đình của mình. Hai ông bà đã dâng lên Thiên Chúa một của lễ đơn sơ, đó là: Một đôi chim bồ câu non.
Một sự kiện khác xảy ra khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi. Tin Mừng Luca ghi lại: Hàng năm cha mẹ trẻ Giêsu có thói quen trẩy hội lên đền thờ Giêrusalem. Có lẽ không phải tình cờ mà Luca viết câu này. “Thói quen” mà Luca nói đến ở đây chính là thói quen đạo đức, là truyền thống tốt đẹp của gia đình. Cho dù hai ông bà Giuse Maria ở Nazaret, cách Giêrusalem hàng trăm cây số, cuộc sống kinh tế của gia đình eo hẹp với nghề thợ mộc của Giuse, nhưng gia đình này vẫn tập cho con trẻ Giêsu thói quen đạo đức: hàng năm lên đền thờ theo luật quy định. Một chuyến đi xa vào thời đó hẳn là tốn kém nhiều, thế nhưng hai ông bà đã không vì thế mà bỏ qua truyền thống tốt đẹp, đến để tạ ơn Chúa hàng năm. Thói quen này đã ăn sâu vào nếp sống gia đình và đặc biệt ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống đạo đức của trẻ Giêsu. Sau này cũng Tin Mừng Luca ghi lại: Đức Giêsu vào hội đường mỗi ngày Sabat như thói quen thường làm. Các sự kiện này cho thấy, thói quen đạo đức của cha mẹ có ảnh hưởng trên con cái, truyền thống tốt đẹp của dòng họ có ảnh hưởng trên gia đình và thế hệ sau.
Thưa quý OBACE, cuối đoạn Tin Mừng, Thánh Luca còn kết thúc câu chuyện bằng lời tóm tắt: Sau khi đã hoàn tất mọi việc như luật Chúa truyền, hai ông bà trở về Nazaret. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, đạo đức và được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Lời này như cho thấy một kết quả hiển nhiên rút ra từ nếp sống đạo đức truyền thống của gia đình: Cha mẹ đạo đức thì con cái đạo đức; cha mẹ nhiệt thành thì con cái nhiệt thành; cha mẹ là những người tạo lập nên nếp sống đạo đức cho gia đình và con cái; cha mẹ đạo đức thì con cái ngoan hiền.
Đó là bài học dành cho tất cả mọi người, cách riêng các bậc làm cha mẹ. Trong ngày Lễ Thánh Gia - bổn mạng các gia đình, chúng ta được mời gọi nhìn vào đời sống đạo đức của Giuse Maria, để vun đắp lại cho nếp sống đạo đức của bản thân và gia đình. Nếp sống đạo đức không phải chỉ thực hiện một lần hay vài lần, nhưng phải được tập và hình thành thói quen. Đừng để cho sự bận rộn với công việc hoặc sự lười biếng hoặc bất cứ lý do gì mà huỷ bỏ nếp sống đạo đức của người tín hữu. Việc đọc kinh cầu nguyện nơi gia đình, việc tham dự thánh lễ, xưng tội rước lễ phải là việc làm thường xuyên và mỗi ngày. Không có một cây nào ra được trái ngon ngọt mà không cần sự chăm sóc. Cũng vậy, gia đình không thể sinh những trái ngon ngọt, hạnh phúc mà không có sự hy sinh cố gắng mỗi ngày của cha mẹ và từng thành viên.
Xin Thánh Gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse ban thêm sức mạnh, giúp các bậc cha mẹ và các thành viên trong gia đình biết mỗi ngày mỗi vun đắp thêm cho đời sống đạo đức của bản thân, của gia đình, để mỗi người được sống, được hít thở, được cảm nếm hoa trái hạnh phúc trổ sinh từ sự hy sinh cố gắng của mình. Amen!