Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm B
Vương quyền của Đa-vít sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Chúa.
Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.
1 Khi vua Đa-vít được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, 2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than : “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” 3 Ông Na-than thưa với vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài.”
4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :
5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? 8b Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. 10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, 11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.” Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Rm 16,25-27
Mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nay được biểu lộ.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
25 Thưa anh em, vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa 26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. 27 Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men. Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Lc 1,26-38
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. Đó là lời Chúa.
__________________
Theo gương Đức Maria, đón Chúa vào cuộc đời – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, mỗi khi có khách đến nhà, gia đình chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều thứ: từ việc vệ sinh, quét dọn nhà cửa, đến việc chuẩn bị nước, chỗ ăn, chỗ ngủ cho khách...Khi có một người khách sống trong nhà, mọi sinh hoạt của gia đình đều phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp. Khi đón một vị khách quan trọng, thì việc chuẩn bị lại càng phải kỹ hơn. Ví dụ như mỗi lần Tổng thống hoặc Đức Thánh Cha đi đến một quốc gia nào, thì hai bên đã phải trao đổi lịch trình trước cả năm. Sáu tháng trước khi cuộc thăm viếng diễn ra, hai bên đã phải chuẩn bị rất nhiều, từ khâu an ninh, nơi ở, đến các tuyến đường di chuyển được chuẩn bị sạch đẹp, đến việc ăn uống ngủ nghỉ của vị nguyên thủ...
Chuẩn bị cho ngày Đại lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo hội dành bốn tuần của Mùa vọng để mỗi người dọn dẹp tâm hồn, sửa đường cho thẳng, lấp mọi hố sâu, chuẩn bị đón Chúa đến. Hôm nay bước vào Chúa Nhật thứ bốn Mùa vọng, cận kề với ngày đại lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo hội kêu mời mỗi người chuẩn bị cách tích cực hơn và giới thiệu cho ta Đức Maria như mẫu gương của việc chuẩn bị tâm hồn đón Chúa.
Đức Maria đã đón Chúa vào tâm hồn, vào cuộc đời và gia đình mình như thế nào? Maria - một thiếu nữ thành Nazaret, đã được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ. Việc tuyển chọn này không phải vì Maria xinh đẹp, nết na, nhưng vì Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn cô. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn hoàn toàn tôn trọng tự do của Maria. Vì thế, Ngài đã cho Thiên sứ đến để hỏi ý kiến của Mẹ và chờ đợi câu trả lời từ Mẹ.
Thánh Luca đã thuật lại sự kiện Thiên Chúa sai Sứ thần đến truyền tin cho Đức Mẹ. Mẹ đã có một thái độ hết sức sẵn sàng và khiêm nhường để mở rộng cung lòng cho Con Thiên Chúa bước vào. Khi nghe Tin Mừng thuật lại sự kiện này, chúng ta cảm thấy mọi sự như dễ dàng. Nhưng thực ra, để thưa tiếng xin vâng với Chúa, Mẹ đã phải trải qua sự giằng co rất mạnh mẽ trước đó. Trước hết, là lời chào hết sức long trọng khác thường của Sứ thần: “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà.” Có thể nói, lời chào long trọng này khiến cho Đức Maria không thể hiểu và vô cùng bối rối: Tại sao Mẹ lại được một Sứ thần của Thiên Chúa cung kính chào như thế? Lời Chào đó có ý nghĩa gì?
Nhìn thấy sự băn khoăn, bối rối của Maria, Sứ thần đã giải thích: “Maria đừng sợ, vì Bà đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu… Người là Con Đấng Tối Cao…sẽ trị vì nhà Giacóp...” Cũng như bao thiếu nữ khác, tuy đã đến tuổi trưởng thành và phải đính hôn theo tập tục của người Do Thái, nhưng Maria vẫn hoàn toàn không thể hiểu được lời Sứ thần vừa giải thích. Maria không thể hình dung được những gì sẽ xảy ra khi Mẹ mang thai mà chưa thực sự kết hôn. Mẹ cũng hình dung ra sự nguy hiểm trước việc một cô gái Do Thái chưa kết hôn mà đã có thai. Vì điều này không chỉ làm tổn hại đến danh dự của bản thân và gia đình, mà còn phải chịu sự trừng phạt rất nặng của luật nếu bị tố cáo. Vì thế, Maria đã giãi bày với Sứ thần: “Việc đó xảy ra thế nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Câu hỏi này của Đức Maria cũng cho thấy vấn đề này như một tảng đá cản trở trong suy nghĩ của Mẹ.
Sứ thần lại tiếp tục giải thích cho mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên Bà. Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Lời giải thích này quá cao vời đối với một thiếu nữ Nazaret. Mẹ sẽ không thể nào hiểu được, thế nào là việc Thánh Thần ngự xuống; quyền năng phủ bóng và Đấng Thánh là Con Thiên Chúa? Vì đối với người Do Thái, chỉ cần nghe những từ này thôi thì đã phải cung kính sấp mình, huống hồ, Sứ thần lại nói Đấng Thánh ấy lại do Mẹ sinh ra. Chắc chắn, Đức Maria khi nghe những lời này quả là rất sợ hãi, vì Đấng Thánh mà người Do Thái quen gọi, chính là Đức Chúa, là Yavê. Đấng Thánh ấy được Sứ thần nói sẽ do Mẹ sinh ra, quả là một việc động trời.
Trước một sự việc lớn lao vô cùng như thế, một thiếu nữ, một tâm hồn nhỏ bé như Mẹ làm sao có thể đón nhận? Sứ thần đã cho Maria thấy một việc lạ lùng như một bằng chứng về quyền năng của Đấng Tối Cao đã thực hiện, đó là việc: Bà Elizabeth mang thai lúc tuổi già, mà nay đã được sáu tháng. Với bằng chứng này, Sứ thần muốn cho Mẹ thấy Thiên Chúa có thể làm được tất cả mọi sự, vượt sức tự nhiên, ngoài sự hình dung của con người. Bà Elizabeth là một người đàn bà son sẻ, đối với lẽ thường, bà sẽ không thể mang thai được nữa vì đã già, quá tuổi sinh nở. Vậy mà, khi Thiên Chúa muốn, Ngài có thể biến điều không thể nên điều có thể.
Trước sự giải thích và minh chứng của Sứ thần, Đức Maria đã hạ mình thẳm sâu, mở rộng tâm hồn để thưa lên với Sứ thần, cũng là lời đáp trả với Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.” Với lời thưa này, Đức Maria đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa bước vào cuộc đời mẹ cách tự do, không rào cản, không điều kiện. Thiên Chúa không chỉ bước vào cuộc đời Mẹ theo nghĩa thiêng liêng, nhưng Thiên Chúa bước vào cung lòng của Mẹ bằng một thân xác, trở nên một thai nhi trong cung lòng Mẹ. Với sự khiêm nhường của Mẹ, Mẹ đã dỡ bỏ tất cả những rào cản, những vướng mắc hoặc lăn tăn trong lòng, để cho Thiên Chúa tự do hoạt động trên cuộc đời Mẹ.
Lời thưa xin vâng với Thiên Chúa, không phải là lời thưa đem lại cho Mẹ vinh dự theo kiểu thế gian. Vì cho dù được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã không hề bảo vệ Mẹ khỏi những khó khăn thử thách và đau khổ trong cuộc sống. Trái lại, ngay từ những ngày đầu tiên này, mẹ đã phải đối diện với cái khó, là làm sao để giải thích về việc này cho Giuse, vị hôn phu của mình; liệu Giuse có dễ dàng tin và đón nhận những gì Mẹ giải thích không? Nếu Giuse từ chối bào thai này thì số phận của Mẹ cũng sẽ chấm dứt với bản án ném đá của mọi người. Maria đã chấp nhật tất cả “rủi ro” có thể xảy ra cho mình để hoàn toàn cho Thiên Chúa định liệu.
Thưa quý OBACE, khi Giáo hội đưa ra cho chúng ta mẫu gương đón nhận Chúa trong tuần bốn Mùa vọng hôm nay, chắc hẳn Giáo hội cũng muốn mỗi người sống và làm theo gương Đức Mẹ. Chúng ta đã trải qua bao nhiêu Mùa vọng trong đời, nhưng nhiều người vẫn chưa một lần đón được Chúa vào tâm hồn. Nhiều người mới chỉ chú tâm vào việc chuẩn bị mừng lễ bằng những hình thức trang trí bên ngoài, với hang đá và đèn sao lấp lánh, nhưng tâm hồn thì vẫn khoá chặt và tối tăm u ám. Nhiều người mừng lễ Chúa Giáng Sinh mà tâm hồn không thực sự vui và không bình an, vì trong tâm hồn còn ngổn ngang nhiều thứ như tội lỗi, thói xấu. Những thứ này khiến cho tâm hồn trở nên nặng nề bất an.
Đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh là đón mừng mùa hồng ân, mùa an bình, nhưng nhiều người, nhiều gia đình còn đầy những bất an bất ổn. Sự bất an bất ổn này là do gia đình đã mất đi bầu khí yêu thương, mất đi sự ấm cúng, thay vào đó là những cãi vã, bạo lực hoặc những cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Nhiều gia đình, cha mẹ, con cháu không còn chuyện trò với nhau, mỗi người là một thế giới, không ăn chung, không đọc kinh chung và dẫn đến không đội trời chung; mỗi người chỉ còn lo cho sở thích riêng, điện thoại riêng, công việc riêng mà không ai quan tâm đến ai nữa. Sống trong một gia đình như thế, quả là nặng nề mệt mỏi, gia đình như thế thì cũng không khác gì một căn phòng trọ.
Noi gương Đức Maria, xin Chúa cho mỗi người biết buông bỏ khỏi mình tội lỗi, tham vọng, tự ái, hờn giận, nóng nảy, kiêu căng, để có thể sống vui hơn, yêu thương hơn và bình an hơn. Xin cho mỗi người cũng dám buông bỏ tất cả để cho Chúa bước vào tâm hồn và để Chúa hoạt động và quyết định cho cuộc đời mình. Amen!