ĐTC Phanxicô: Thiếu lắng nghe lời Chúa, hiệp thông, Thánh Thể và cầu nguyện thì không là Giáo hội
Lúc 9 giờ 15 sáng thứ Tư, 25/112020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung, dưới dạng trực tuyến giống như tuần trước, vì mức độ lây lan Coronavirus tại Italia tuy có suy giảm, nhưng vẫn còn khá mạnh mẽ, và những hạn chế do chính quyền Ý ấn định có hiệu lực cho đến ngày 3 tháng 12 tới đây, hy vọng sau đó sẽ được nới lỏng hơn.
Hiện diện tại thư viện ở dinh Tông tòa, như thường lệ chỉ có hai giám chức phụ giúp Đức Thánh cha và tám linh mục thông dịch viên.
Tôn vinh Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ sách Tông đồ Công vụ đoạn 4 (4,23-23.29.31), kể lại sự tích thánh Phêrô và Gioan tông đồ, sau khi được trả tự do, đã đến gặp các anh chị em trong cộng đoàn để thuật lại những gì đã nói với các tư tế và kỳ lão. Cộng đoàn đã dâng lời chúc tụng Thiên Chúa và cầu nguyện. Khi họ kết thúc kinh nguyện, nơi họ hội họp rúng động và tất cả được tràn đầy Thánh Linh.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện, và trong bài thứ 16 này, ngài trình bày có đề tài là: “Kinh nguyện của Giáo hội sơ khai”.
Cộng đồng Kitô sơ khai
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em! Những bước đầu tiên của Giáo hội trong thế giới được đánh dấu bằng những buổi cầu nguyện. Các thư từ của các tông đồ và trình thuật lớn trong Tông đồ Công vụ, cho chúng ta thấy hình ảnh một Giáo hội đang tiến bước, chuyên cần, nhưng là Giáo hội tìm thấy trong những buổi cầu nguyện căn bản và động lực thúc đẩy hoạt động truyền giáo.
Hình ảnh của cộng đoàn tiên khởi ở Jerusalem là điểm tham chiếu cho mọi kinh nghiệm khác của Kitô giáo. Thánh Luca đã viết trong sách Công vụ: “Họ kiên trì theo giáo huấn của các tông đồ và trong sự hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện” (2,42).
Bốn đặc tính nòng cốt trong đời sống Giáo hội
Ở đây chúng ta tìm thấy bốn đặc tính thiết yếu của đời sống Giáo hội, đó là: lắng nghe giáo huấn của các Tông đồ, gìn giữ tình hiệp thông với nhau, bẻ bánh và cầu nguyện. Các đặc tính này nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống của Giáo hội có ý nghĩa, nếu được gắn bó chặt chẽ với Chúa Kitô. Việc rao giảng và huấn giáo làm chứng về những lời nói và cử chỉ của Thầy; sự liên lỷ tìm kiếm hiệp thông huynh đệ gìn giữ chống lại sự ích kỷ và cục bộ; việc bẻ bánh thực hiện bí tích sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta: Chúa không bao giờ vắng bóng, Ngài sống và đồng hành với chúng ta. Và sau cùng, kinh nguyện là không gian đối thoại với Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Linh.
Chúa là nền tảng của Giáo hội
Tất cả những gì trong Giáo hội vượt ra ngoài “những phối hợp ấy” đều là thiếu nền tảng: giống như một căn nhà xây trên cát (Xc Mt 7,24-27). Chính Thiên Chúa làm nên Giáo hội, chứ không phải những hoạt động ồn ào. Chính Lời Chúa Giêsu làm cho những cố gắng của chúng ta đầy ý nghĩa. Chính trong sự khiêm tốn mà tương lai thế giới được xây dựng.
Đức Thánh Cha ứng khẩu nói: Nhiều lúc tôi cảm thấy rất buồn khi thấy vài cộng đoàn, với thiện chí, nhưng lầm đường vì nghĩ rằng Giáo hội là một cuộc tập hợp như thể một đảng phái chính trị: đa số, thiểu số… Đây là một công nghị, một con đường công nghị mà chúng ta phải thi hành. Tôi tự hỏi, Chúa Thánh Linh ở đâu? Kinh nguyện ở đâu? Đâu là tình yêu cộng đoàn? Đâu là Thánh Thể? Nếu không có bốn yếu tố phối hợp ấy thì Giáo hội trở thành một xã hội phàm nhân, một đảng phái chính trị, đa số, thiểu số...
Vì thế, khi đọc Tông đồ Công vụ, chúng ta khám phá thấy như một động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc truyền giảng Tin mừng là những buổi họp nhau cầu nguyện, trong đó người tham dự cảm nghiệm sinh động sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Thánh Linh đánh động. Các phần tử của cộng đoàn tiên khởi - điều này vẫn luôn có giá trị, cả với chúng ta ngày nay - nhận thức rằng lịch sử cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không dừng lại ở lúc Chúa lên trời, nhưng tiếp tục trong đời sống của họ. Khi kể lại những điều Chúa đã nói và làm, khi cầu nguyện để đi vào cuộc hiệp thông với Ngài, tất cả trở nên sinh động. Kinh nguyện đổ tràn ánh sáng và sức nóng: ơn của Thánh Linh làm nảy sinh nơi họ lòng nhiệt thành.
Thánh Linh hướng dẫn cầu nguyện
Về vấn đề này, Sách Giáo Lý đã diễn tả rất xúc tích: “Chúa Thánh Linh [...] nhắc nhở Chúa Kitô cho Giáo hội cầu nguyện của Ngài, dẫn đưa cả Giáo hội đến Chân Lý trọn vẹn và khơi lên những lối diễn tả mới, biểu lộ Mầu Nhiệm khôn lường về Chúa Kitô, Đấng hoạt động trong cuộc sống, trong các bí tích và trong sứ mạng Giáo hội của Ngài” (n.2625). Hoạt động của Thánh Linh trong Giáo hội là “nhắc nhớ Chúa Giêsu”. Nhưng không phải như một việc tập luyện trí nhớ.
Các tín hữu Kitô, khi tiến bước trên những con đường sứ vụ, nhắc nhớ Chúa Giêsu trong khi làm cho Ngài tái hiện diện; và từ Ngài, từ Thánh Linh của Ngài, họ lãnh nhận được “sự thúc đẩy” để ra đi loan báo, phục vụ. Trong kinh nguyện, Kitô hữu chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng yêu thương mỗi người và mong ước cho Tin mừng được rao giảng cho tất cả mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, và trong Chúa Giêsu mọi bức tường chia cách bị vĩnh viễn sụp đổ: như thánh Phaolô dạy, Chúa là an bình của chúng ta, “Đấng từ hai đã biến thành một sự duy nhất” (Ep 2,14).
Cầu nguyện trong đời sống Giáo hội và tín hữu
Như thế, đời sống của Giáo hội sơ khai được diễn ra theo nhịp liên tục các buổi cử hành, triệu tập, thời gian cầu nguyện chung và riêng. Và chính Thánh Linh ban sức mạnh cho các vị rao giảng lên đường, và vì lòng mến Chúa Giêsu, họ vượt biển khơi, đương đầu với các nguy hiểm, chịu đựng những tủi nhục.
Thiên Chúa ban tình yêu và đòi tình yêu. Đó chính là căn cội huyền nhiệm của trọn đời sống tín hữu. Các Kitô hữu đầu tiên cầu nguyện, nhưng cả chúng ta đến sau họ nhiều thế kỷ, tất cả chúng ta cũng trải qua cùng kinh nghiệm. Chúa Thánh Linh linh hoạt mọi sự. Và mỗi Kitô hữu không sợ dành thời giờ cho việc cầu nguyện, đều có thể nói như thánh Phaolô tông đồ: “Sự sống này, tôi sống trong thân xác, tôi sống trong niềm tin của Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Chỉ trong thinh lặng thờ lạy, ta mới cảm nghiệm trọn vẹn những lời ấy. Chúng ta phải tìm lại ý nghĩa việc thờ lạy Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh, trong thinh lặng. Đó là ngọn lửa sinh động của Thánh Linh, Đấng ban sức mạnh để làm chứng tá và thi hành sứ mạng.
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh Cha qua các sinh ngữ chính.
Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: “Trong vài ngày nữa là bắt đầu Mùa vọng. Ước gì sự hân hoan chờ đợi Đấng Cứu Thế đến nhập thể làm người, trở nên giống chúng ta, làm cho anh chị em tràn đầy hy vọng và an bình trong tâm hồn. Xin Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm nguyên tội, mà anh chị em tôn kính trong các thánh đường, khi cử hành các thánh lễ cầu mùa, đồng hành với anh chị em trong hành trình tiến về Lễ Giáng sinh của Con Thiên Chúa.”
Trong lời chào các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói rằng ước gì Lễ Chúa Kitô Vua chúng ta mới cử hành Chúa nhật vừa qua, kết thúc năm phụng vụ, làm cho anh chị em ý thức rằng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tăm tối, để đưa chúng ta vào Vương Quốc của Ngài, và làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân đáng tin về Chân Lý cứu độ.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân, các đôi tân hôn. Xin Chúa Kitô, Đấng hiển trị từ thánh giá, an ủi tất cả anh chị em trong những lúc thử thách và đau khổ, cởi mở tâm hồn mỗi người chúng ta đón nhận hy vọng.
Buổi tiếp kiến kéo dài 45 phút đồng hồ vì không có cuộc gặp gỡ các tín hữu như trong thời bình thường, và kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
Lm. Giuse Trần Đức Anh, OP – Đài Chân lý Á Châu
__________________________