Bài giảng của Cha GB. Nguyễn Khắc Bá trong Thánh lễ Chúa Nhật II Phục Sinh
Chúa Nhật 2 Phục Sinh, Giáo xứ Tân Vĩnh vinh dự được cử hành Thánh lễ thay cho toàn Giáo phận, Kính trọng thể Lòng Thương Xót Chúa. Thánh lễ do Cha Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá, Tổng Đại diện Giáo phận Hà Tĩnh, chủ tế.
Kính thưa Quý ông bà anh chị em,
Chúa Nhật 2 Phục Sinh cũng được gọi là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Đây là một ngày Lễ đặc biệt, giúp cho Dân Chúa đào sâu hơn vào mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Cứu Thế, mầu nhiệm mà chính là nguồn mạch tuôn chảy sóng trào dâng Lòng Thương Xót đổ tràn xuống trên nhân loại.
Vì đại dịch Covid-19, phần lớn chúng ta không được đến Nhà thờ trong lúc này, mà phải hiệp thông Thánh lễ qua trực tuyến. Tuy nhiên, chúng ta tin chắc rằng Lòng Thương Xót của Chúa vô cùng bao la, vượt lên trên mọi không gian và thời gian, chạm đến tất cả chúng ta, bất kể chúng ta đang ở đâu, và trong hoàn cảnh nào, miễn là chúng ta có lòng thành kính, tin tưởng và cậy trông.
Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng ta tiếp tục hiệp thông với Giáo hội Hoàn vũ, khẩn cầu Thiên Chúa là Cha giàu Lòng Thương Xót, ban cho Thế giới chúng ta nguồn bình an và ơn cứu độ, để nhân loại sớm thoát khỏi cảnh chết chóc và khủng hoảng do Đại dịch gây ra. Và trong khi cảm thông cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của Đại dịch, chúng ta cầu xin Chúa biến đổi Sự Dữ này nên điều tốt lành nhất cho nhân loại.
Kính thưa Quý ông bà anh chị em,
Ngày lễ Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa hằng năm, là một cơ hội rất tốt đẹp, để giúp Dân Chúa tuyên xưng và đào sâu hơn về mầu nhiệm Tình Yêu bao la của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Tình Yêu này của Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta một cách phi thường, qua mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, mà chúng ta cùng với Giáo hội vừa cử hành trong Tuần Thánh và kéo dài cho tới Chúa Nhật 2 Phục Sinh này.
Quả thật, trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta đã chiêm ngắm những gì Thiên Chúa đã thực hiện để bày tỏ Lòng Thương Xót của Ngài. Đó là, trên thập giá Đức Giêsu đã liên đới thâu tóm và đảm nhận tất cả những đau khổ thể xác và tinh thần của toàn thể nhân loại vào bản thân Ngài. Ngài mang lên trên mình tất cả mọi tội lỗi của nhân loại, để chết đi một lần cho tất cả, và mở ra cánh cửa vào chốn Trường Sinh.
Vâng, Lòng Thương Xót Chúa của Thiên Chúa là thế đó, Ngài nên một với con người trong tận cùng vực thẳm của con người. Tuy nhiên, mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Chúa không chấm dứt ở cái chết tự hiến của Đức Giêsu. Nó không thể bị phủ lấp bởi tảng đá lớn mà người ta lăn ra để đóng kín ngôi mộ, sau cái chết của Ngài ở trên đồi Gôlgôtha. Nếu vậy, thập giá và cái chết tự hiến của Đức Giêsu có cao cả đi mấy chăng nữa thì cũng vô nghĩa, vì mọi sự rồi ra cũng chấm dứt với cái chết.
Không, Ngài đảm nhận tất cả mọi đau khổ và tội lỗi của con người để rồi biến đổi nó qua sự Phục Sinh của Ngài. Và vì thế khi Phục Sinh Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đem lại cho chúng ta một viễn tưởng hoàn toàn mới về lịch sử nhân loại. Nghĩa là, một kỷ nguyên của sự sống vượt thắng sự chết của thế giới mới, trong đó Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Từ nay cùng với Đức Kitô, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng và dấu ấn của sự chết đã được tháo gỡ khỏi mồ đá lạnh lùng và dấu ấn của sự sống đã được đóng vào trái tim của những người Tin.
Vì thế có thể nói, Chúa Kitô Phục Sinh là một sự nhập thể dứt khoát của Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Đó là một cuộc sáng tạo mới, vì từ nay Thiên Chúa và nhân loại đã hợp nhất để không bao giờ xa rời nhau nữa. Từ lúc Đức Giêsu sống lại và được tôn vinh, ta biết trên thiên đàng, trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu luôn mãi mãi sống trong nhân tính của Ngài đã mặc lấy trong biến cố Nhập Thể. Tất nhiên, nhân tính đó đã được biến đổi với sự Phục Sinh. Nói cách khác, từ nay trong Thiên Chúa có con người chúng ta trong đó.
Chính vì thế, trong các bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô trong sách Công Vụ Tông Đồ, cũng như trong các trình thuật về các lần hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh, mà chúng ta nghe trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này. Có một sứ điệp căn bản luôn được nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, đó là muốn khẳng định Chúa Kitô Phục Sinh cũng chính là Đấng chịu đóng đinh. Trong bài Tin mừng theo Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe trong Thánh lễ này, có đến 2 lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra, tỏ cho các Tông đồ biết sự thật ấy. Và khi Đấng Phục Sinh bảo các Tông đồ hãy thọc ngón tay vào lỗ đinh và cạnh sườn bị đâm thủng của Ngài, Chúa Kitô cho biết rằng ơn cứu độ và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một điều gì đó trừu tượng nhưng là một thực tại rất cụ thể, được thể hiện qua sự chết và Phục Sinh của Ngài.
Vì thế chúng ta sẽ thấy tính viên mãi và tính cụ thể của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa còn được thể hiện qua việc Ngài luôn tha thứ cho chúng ta. Qua việc Chúa thiết lập Bí tích Hòa giải, khi nói với các Tông đồ rằng: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,21-23)
Đây là lời mà Chúa Giêsu lập Bí tích Hòa giải, và Bí tích Hòa giải là một dấu chỉ cho phép chúng ta được chạm vào sự cao cả của Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa bày tỏ Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Ngài một cách tỏ tường nhất khi mà Ngài tha thứ cho chúng ta. Và xa hơn nữa, trước khi trao ban cho các Tông đồ quyền tha tội, Chúa Kitô Phục Sinh đã chỉ cho các ông thấy Dấu Thánh nơi tay và cạnh sườn của Ngài. Ngài chỉ vào những vết thương của Cuộc Thương Khó, đặc biệt là vết thương trong trái tim của Ngài. Và qua vết thương hữu hình đó, Ngài tỏ cho chúng ta thấy vết thương Tình Yêu vô hình của Thiên Chúa, đó là nguồn mạnh tuôn chảy Lòng Thương Xót đổ tràn trên nhân loại chúng ta.
Chính từ trái tim đó, mà Thánh nữ Faustina vào năm 1931, trong một thị kiến đã nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng, với cánh tay phải dơ lên đang chúc lành, tay trái của Ngài đùm vào nơi trái tim, nơi đó chiếu tỏa ra 2 luồng ánh sáng, một tia màu đỏ và một tia màu trắng nhạt. Hai tia sáng đó là biểu hiện cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt biểu hiện cho Nước, chỉ về Bí tích Rửa tội, trao ban Thánh Thần để làm cho các Tín hữu nên công chính, được hưởng gia nghiệp không hư nát, như bài đọc thứ 2 chúng ta vừa nghe Thánh Phêrô nói. Tia sáng đỏ là biểu hiện của Máu chỉ về Bí tích Thánh Thể, đây là Bí tích cao trọng nhất, qua đó Thiên Chúa bày tỏ Tình Yêu và Lòng Thương Xót vô hạn của Ngài đối với nhân loại, bởi vì hình ảnh Máu thâu tóm một cách một cách biểu tượng tất cả công trình được thực hiện bởi Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, từ Máu diễn tả ơn huệ vô biên mà Chúa Giêsu đã đi cho tới cùng bằng chứng Tình Yêu lớn lao nhất.
Vì thế qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong Thánh Thể, để thâu nhập nhân loại vào Thiên tính hằng sống của Ngài, hiệp nhất cái Ngài hiệp nhất, cái hữu hình hữu hạn của chúng ta với cái vô biên vô tận trong Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Ngài.
Anh chị em thân mến,
Trước mầu nhiệm cao cả vô biên của Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta được mời gọi đáp trả lại Tình Yêu đó của Thiên Chúa bằng đời sống Tin Yêu. Và có thể chạm đến, hay có thể dìm mình trong biển cả của Lòng Thương Xót Chúa chúng ta cần phải có đức Tin. Chính Chúa Kitô Phục Sinh đã nói với Tông đồ Tôma rằng: Có một cách để sờ chạm vào Lòng Thương Xót Chúa hạnh phúc hơn, đó là sờ chạm bằng ngón tay đức Tin, phúc cho những ai không thấy mà Tin. (Ga 20,29)
Đức Tin là một trong những ân huệ tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhờ đức Tin mà chúng ta vốn là thụ tạo hữu hạn, có thể đi vào trong cái cái vô hạn của Thiên Chúa, tức là chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Thánh Phêrô trong bài đọc thứ 2, khích lệ chúng ta rằng: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang.” (1Pr 1,8) Vui mừng khôn tả là bởi vì chúng ta biết rằng, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, bất luận chúng ta là ai, như thế nào. Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương nên chúng ta hiện hữu.
Và kính thưa Quý ông bà anh chị em,
Với cái nhìn đó về Lòng Thương Xót Chúa, lúc này đây khi phải chứng kiến bao đau khổ tổn thất do Đại dịch virus Corona Vũ Hán gây ra đang vây bủa nhân loại, chúng ta hãy chọc ngón tay đức Tin của mình vào những vết thương ấy. Trước hết để thấy rằng, nó là hậu quả tội ác của con người gây nên cho con người. Cho dù nguồn gốc của con Virus này phát xuất từ động vật hoang dã, hay là từ phòng thí nghiệm, thì nguyên nhân chính tạo nên thảm họa này là do lòng tham u mê của chủ nghĩa tiêu thụ và sự kiêu ngạo của con người, ảo tưởng về sự toàn năng của mình. Bởi thế cách nào đó, tất cả chúng ta không phải vô can trong cuộc khủng hoảng này.
Nhưng quan trọng hơn, chúng ta hãy chạm ngón tay đức Tin vào những vết thương ấy của nhân loại, để nhận ra rằng đó cũng chính là những vết thương của Đấng chịu đóng đinh đã Phục Sinh. Bởi thế, chúng ta tin rằng trong những mất mát khổ đau mà nhân loại đang trải qua vì Đại dịch, chúng ta có thể nghe như vẳng niềm vui của sự Phục Sinh. Chúng ta không cô đơn, vì Thiên Chúa cứu độ chúng ta không bằng cách đè bẹp chúng ta, nhưng Ngài nên một với con người chúng ta trong tận cùng vực thẳm, và ngài cất bỏ phiến đá đó, đang đè nặng làm tê liệt chúng ta. Và cuối cùng trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua chúng ta xác tín rằng, chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới có thể giải thoát và biến đổi thế giới này nên tốt đẹp và nhân bản hơn, chứ không phải sức mạnh công nghệ và quân sự.
Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Chúa là nền tảng để chúng ta xây dựng nền Văn Minh Tình Thương. Do dó chúng ta cầu xin Chúa, luôn tuôn đổ Lòng Thương Xót của Người xuống trên chúng ta, thúc đẩy mọi người cùng hoạt động để xây dựng một tương lai thế giới trổ sinh hoa trái dồi dào hơn. Và không chỉ cầu nguyện mà thôi, chúng ta còn được mời gọi làm cho thế giới này trở nên nhân bản và công bằng hơn qua việc sống và thực thi Lòng Thương Xót.
Việc thực hành Lòng Thương Xót vừa là cách thế để chúng ta được Thiên Chúa xót thương, vừa là chứng từ khả tín mà cộng đoàn Kitô hữu chúng ta, qua đó những người xung quanh chúng ta nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa.
Ước gì hương thơm Lòng Thương Xót của người Kitô hữu chúng ta lan tỏa, để tất cả mọi người như là dấu chỉ của vương quốc Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Amen!
✚ GB. Nguyễn Khắc Bá
_______________________